Đó là chuyện xa xỉ với người dân nơi đây.
Cách đất liền khoảng 120 km, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đang thu hút du khách không chỉ với vẻ đẹp hoang sơ mà còn bởi tình người chân chất. Nhiều tập tục của người dân đảo, trong đó có tục cưới xin, khá độc đáo.
Kể về đám cưới của mình, đôi vợ chồng trẻ Hồng và Nhiên (cùng làm công chức ở xã Long Hải, huyện Phú Quý) cho biết cả hai bằng tuổi, trong quá trình làm việc chung đã nảy sinh tình cảm. Sau khi thưa chuyện với người lớn hai gia đình, nhà trai nhờ người mối đưa đến gặp gia đình nhà gái để "nói chừng" (giống như lễ hỏi thường thấy nhưng không tổ chức tiệc tùng). Được nhà gái đồng ý, hai bên gia đình chọn ngày làm mâm cơm đơn giản dâng cúng tổ tiên và mời những người ruột thịt, sau đó đến xã đăng ký kết hôn.
"Vậy là chúng em chính thức trở thành vợ chồng mà không có tiệc cưới, cũng không mặc áo cô dâu. Ngày xưa, cha mẹ hai bên gia đình cũng đến với nhau như vậy, giờ tụi em làm theo người lớn. Khá nhiều bạn bè cùng trang lứa ở đảo cũng nên duyên vợ chồng theo cách đó" - Hồng nói.
Tối giản trong chuyện cưới xin, nhiều cặp vợ chồng ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận vẫn sống với nhau hạnh phúc
Theo nhiều người sống lâu năm ở đảo, Phú Quý có nhiều người trở thành vợ chồng mà không tổ chức tiệc cưới. Tục "nói chừng" (nhà trai nhờ người đến nói chuyện với nhà gái) là điều kiện tiên quyết để chàng trai, cô gái qua lại với nhau và thành vợ thành chồng. Đây là một tập tục giản đơn của người dân đảo Phú Quý, thể hiện lối sống cộng đồng chân chất, ngay thẳng và mộc mạc, bỏ qua những thủ tục, lễ nghi rườm rà.
Đã qua tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Văn Tám (xã Long Hải) bảo rằng ông không biết đám cưới là gì. Trước đây, cũng nhờ "nói chừng" được sự đồng ý của nhà gái mà ông có vợ. Giờ 4 người con trai của ông cũng theo tục cũ, không ai tổ chức tiệc cưới, chỉ "nói chừng".
"Rườm rà, lễ nghi làm gì cho tốn kém mà còn làm phiền hàng xóm. Miễn 2 đứa yêu nhau, hai bên gia đình đồng thuận, 2 đứa về sống chung biết ăn ở với nhau là được rồi" - ông Tám chia sẻ.
Một cán bộ phụ trách văn xã ở huyện Phú Quý cho biết hiện nay, trên đảo đã có nhà hàng tiệc cưới mọc lên nhưng vẫn có không ít bạn trẻ chọn hình thức "tối giản" chuyện cưới hỏi theo tập tục xưa của ông bà. "Không tổ chức tiệc cưới linh đình nhưng nhiều cặp vợ chồng trên đảo sống với nhau hạnh phúc, hòa thuận lắm" - anh cán bộ này nhìn nhận.
Bình luận (0)