Thông tin UBND tỉnh Bến Tre xin chủ trương làm lại phà Rạch Miễu để giảm tải áp lực cho cầu Rạch Miễu sau hơn 10 năm đưa vào khai thác thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Chuyện bỏ phà, xây cầu rồi xin xây lại phà đã gây ra nhiều tranh luận.
Phà sẽ giảm tải cho cầu?
Trước đó, chiều 17-1, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đến chúc Tết Ban Giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã đưa ra đề xuất nói trên. Lý do là vì áp lực lưu thông qua cầu Rạch Miễu quá lớn, kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết. Trong khi đó, dự kiến trong năm nay dự án cầu Rạch Miễu 2 mới được phê duyệt và phải mất ít nhất 3 năm mới hoàn thành. Đến lúc đó, áp lực quá tải giao thông, kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.
Ông Trọng khẳng định việc mở lại phà để giảm tải cho cầu Rạch Miễu đã được ông trực tiếp trao đổi và nhận được sự đồng thuận của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Nếu được chấp thuận, dự án phà Rạch Miễu sẽ triển khai ngay, tổng kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Tỉnh Bến Tre sẵn sàng ứng kinh phí cho chủ đầu tư và nếu không có nhà đầu tư nào làm thì tỉnh sẽ sử dụng ngân sách để thực hiện. "Chỉ có giải pháp tình thế này mới cứu nổi kẹt xe cầu Rạch Miễu trong thời gian đợi cầu Rạch Miễu 2" - ông Trọng quả quyết.
Trước đề xuất bất ngờ của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ. Dù vậy, do bến phà đề xuất không nằm trên quốc lộ, không thuộc thẩm quyền nên việc này tỉnh Bến Tre phải kiến nghị Chính phủ quyết định. Ông Thể gợi ý nên xem xét giao cho nhà đầu tư BOT cầu Rạch Miễu nghiên cứu lập bến phà, vì việc này liên quan đến nguồn thu trạm BOT cầu Rạch Miễu.
Với trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, nếu muốn làm phà, UBND tỉnh Bến Tre phải có tờ trình gửi Chính phủ. Việc này cũng đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau.
Bày tỏ sự đồng tình với UBND tỉnh Bến Tre, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho rằng việc mở lại phà là rất cần thiết. "Hiện tại đã cấm xe có tải trọng trên 16 tấn qua cầu trong khung giờ nhất định. Nếu có phà, loại xe này muốn lưu thông hàng hóa nhanh thì chọn đi phà. Như vậy vừa đáp ứng yêu cầu vận chuyển vừa giảm áp lực cho cầu" - một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, người dân, giới kinh doanh vận tải bày tỏ nhiều băn khoăn. Ông Trần Đặng Tuấn, chủ một doanh nghiệp vận tải tỉnh Tiền Giang, đặt vấn đề: "Vì sao trước đây phà Rạch Miễu không giữ lại mà phá bỏ? Việc xây cầu, bỏ phà rồi lại xin làm phà có ngược đời không? Liệu có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra làm phà? Khi làm xong, xe lại không đi phà thì họ thu phí hoàn vốn thế nào, lúc đó có xảy ra cảnh ép xe đi vào phà để thu phí hay không?"...
Với bề rộng mặt cầu chỉ 15 m, cầu Rạch Miễu đã trở nên quá tải
Bất cập cầu và trạm BOT
Chiều 19-1, phóng viên Báo Người Lao Động trực tiếp có mặt tại cầu Rạch Miễu, ghi nhận những bất cập của chiếc cầu nối hai bờ sông Tiền được kỳ vọng đổi thay diện mạo kinh tế của các địa phương trong vùng.
Chỉ mới 14 giờ, chưa vào giờ cao điểm, xe tải, ôtô, xe máy đã nối dài hàng cây số trên Quốc lộ 60, phía tỉnh Tiền Giang. Dòng xe rồng rắn nhích từng chút một qua cầu. Phía Bến Tre, trạm thu phí nằm cách cầu 2 km, cả hai làn đường kẹt cứng ôtô do xếp hàng mua vé qua trạm. Ở các ngã tư ra vào TP Bến Tre, lực lượng CSGT vất vả điều tiết lưu thông.
Theo quan sát của phóng viên, bề ngang mặt cầu Rạch Miễu khá hẹp, mỗi bên chỉ có 1 làn ôtô, gần như bị quá tải trước mật độ phương tiện dày đặc. Cầu cũng không có hành lang, làn xe máy hẹp nên gây ra hỗn loạn lưu thông. Đến chiều tối, vì là ngày cuối tuần, tắc nghẽn giao thông ở hai bờ Tiền Giang và Bến Tre càng nghiêm trọng.
Tài xế Nguyễn Minh Trung, lái xe tải tuyến đường Trà Vinh - TP HCM, bày tỏ: "Mặt cầu hẹp lại bị án ngữ bởi trạm thu phí nên kẹt xe triền miên. Nếu chạy ban đêm thì được chứ vào tầm buổi chiều như thế này thì phải mất hàng giờ, "rùa bò" còn hơn đi phà". Một số tài xế khác tố khổ việc đặt trạm quá gần chiếc cầu này là nguyên nhân gây ra cảnh kẹt xe từ nhiều năm nay. "Mỗi lần qua trạm mất khoảng 20 giây và chỉ cần vài chục xe nối đuôi tới trạm là gây kẹt ngay. Chủ đầu tư ít khi chủ động xả trạm, chỉ đến lúc quá căng thẳng thì mới thấy CSGT tới phân luồng. Tôi dám cá là nếu dời trạm thu phí này ra xa hơn thì ùn ứ sẽ giảm hẳn" - một tài xế nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình lập dự án cầu Rạch Miễu, chủ đầu tư chỉ lấy số lượng xe qua phà về tỉnh Bến Tre với mức trung bình mỗi ngày đêm khoảng 5.000-6.000 lượt xe để áp cho cầu. Thế nhưng, sau khi có cầu, lượng xe theo Quốc lộ 60 về các tỉnh khác như Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long tăng lên, hiện khoảng 15.000. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cầu Rạch Miễu quá tải chỉ sau 10 năm khai thác.
Thiếu tầm nhìn
Dự án cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m; trong đó cầu dây văng dài 504 m, phần cầu dẫn dài 2.374 m, phần đường và nút giao thông dài 5.372 m. Bề rộng mặt cầu 15 m, mỗi bên 1 làn ôtô và 1 làn xe máy. Đây là chiếc cầu dây văng "made in Vietnam" đầu tiên, do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế TEDI thiết kế, nhà thầu thi công là các tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 5 và 6 (Bộ GTVT). Trưa 19-1-2009, cầu Rạch Miễu chính thức cắt băng khánh thành và chiều cùng ngày, phà Rạch Miễu chấm dứt hoạt động sau hơn 100 năm tồn tại.
Trước đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ với Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cho rằng đúng là cách đây 10 năm, chiếc cầu này là kỳ vọng của người dân trong vùng dự án nhưng với thực tiễn hiện nay, nó đã trở nên quá tải nên mới có chuyện đề xuất làm lại phà. "Lúc mới nhìn chiếc cầu Rạch Miễu thành hình với chiều ngang quá hẹp và không có lối đi bộ, tôi đã thấy tầm nhìn quy hoạch của họ không quá 1 năm. Giờ dân phải trả giá cho tầm nhìn ngắn hạn này" - bạn đọc Phạm Hồng Tâm nói.
Bình luận (0)