Không gian phố đi bộ mới nhất ở Hà Nội - tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tại thị xã Sơn Tây - đã được khai trương ngày 30-4. Tuyến phố đi bộ này được kỳ vọng khi hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, những công trình văn hóa khu vực trung tâm, tạo ra một không gian mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và khách tham quan vào dịp cuối tuần. Từ đó, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã Sơn Tây.
Không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây là phố đi bộ thứ 4 của TP Hà Nội, sau phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) đã đi vào hoạt động và khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) dự kiến hoạt động từ quý IV/2023. Ngoài ra, quận Ba Đình còn đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, chấp thuận việc tổ chức khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Một số tuyến phố đi bộ khác cũng đang rục rịch được đề xuất, như tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì), quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng)...
Việc có thêm những không gian, tuyến phố đi bộ mới đã dẫn tới các luồng ý kiến khác nhau. Những người ủng hộ cho rằng các tuyến phố đi bộ tại những không gian văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị những nơi này để người dân địa phương cũng như du khách có thêm địa điểm vui chơi, khám phá... Điều này góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển; tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Một tác dụng tích cực, mang tính lan tỏa khác cũng được đề cập là các tuyến phố đi bộ giúp tạo thói quen đi bộ cho người dân.
Tuy nhiên, các tuyến phố đi bộ cũng gây ra không ít phiền toái, khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của người dân và giao thông đô thị. Người dân ngụ tại các phố đi bộ nếu có ôtô sẽ phải gửi xa hơn; người thân và bạn bè muốn tới thăm viếng, gặp gỡ họ cũng khá bất tiện vì phương tiện phải để bên ngoài. Mỗi tuyến phố - không gian đi bộ được hình thành là hàng chục khu phố, tuyến đường cấm phương tiện giao thông qua lại khiến người dân phải đi vòng xa hơn, đường phố vốn đã đông đúc càng thêm ách tắc.
Thế nên, việc mở tuyến phố đi bộ tại các đô thị lớn, có mật độ cư dân, giao thông đông đúc như Hà Nội cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều chiều để khỏi rơi vào tình trạng "lợi bất cập hại", phần phiền toái, bất tiện lớn hơn lợi ích mang lại.
Bình luận (0)