Ngày 24-3, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm, trao đổi, cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công an
Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo 8 dự án luật, trong đó có 3 dự án luật trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Về dự án Luật Căn cước công dân (CCCD, sửa đổi), Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, cho biết Luật nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi. Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật.
Tại cuộc tọa đàm, giải đáp câu hỏi của về tính pháp lý của các mẫu thẻ CCCD và CMND và tính ổn định trong xây dựng chính sách?, thiếu tá Trần Duy Hiển Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết đề xuất thay đổi mẫu CCCD mới nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Việc thay đổi thông tin trên mặt thẻ CCCD nhằm đáp ứng yêu cầu về thông tin khai sinh của nhiều quốc gia trên thế giới.
"Thẻ CCCD gắn chip được thiết kế đạt chuẩn ICAO, hướng tới sự liên thông thông tin giữa các quốc gia. Việc sử dụng chip điện tử để sản xuất thẻ CCCD là khả quan do các yếu tố phát triển về công nghệ, xã hội, chi phí đã đáp ứng được" - thiếu tá Trần Hiển thông tin và cho rằng các mẫu thẻ CMND và CCCD trước đây đều hiển thị trực quan thông tin sinh trắc học của người dân trên mặt thẻ và điều này dẫn tới dễ lộ lọt thông tin. Trong khi chip điện tử trên thẻ CCCD đã lưu trữ thông tin này, trường hợp muốn khai thác phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.
Theo thiếu tá Hiển, nếu các đề xuất của Bộ Công an được thông qua và có thêm một mẫu thẻ CCCD mới, 80 triệu thẻ CCCD đã cấp thời gian qua vẫn được sử dụng như bình thường, chỉ phải cấp đổi khi đến độ tuổi theo quy định; việc thay đổi nội dung trên thẻ CCCD không phải cung cấp thông tin, không phải làm mới, mà dữ liệu được tích hợp trên hệ thống VNeID.
Tại Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất cho sử dụng CMND đến hết ngày 31-12-2024. Các quy định mới của Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) bao gồm: Cấp, đổi, cấp lại thẻ trong thời hạn 7 ngày làm việc. Trong đó đáng chú ý, Dự thảo luật đề xuất bỏ vân tay trên thẻ CCCD; Lược bỏ vân tay và sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an".
Dự thảo cũng đề xuất việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Với công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên, cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.
Bình luận (0)