Bà Phạm Thị Trung, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà, cho biết đã có văn bản đề nghị UBND huyện tập hợp các tài liệu báo cáo rõ nội dung liên quan. "Cũng yêu cầu UBND báo cáo luôn việc triển khai này như thế nào, tác động xã hội ra sao" – bà Trung nói và cho biết sau khi có báo cáo Thường trực Huyện ủy sẽ có ý kiến, hướng xử lý và báo cáo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum.
Phóng viên đã liên hệ đến các cơ quan chuyên môn của tỉnh Kon Tum để làm rõ việc "xẻ thịt" đất công viên công cộng sang đất "kinh doanh, thương mại" với hình thức "sử dụng riêng" và cơ sở nào cấp phép xây dựng nhiều hạng mục công trình trên đất công cộng.
Công viên Đắk Hà giờ trở thành quán cà phê, phòng tập gym
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Kon Tum), nói việc cấp giấy phép xây dựng các công trình trên khuôn viên công viên là trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ của UBND huyện Đắk Hà đã đầy đủ như: hợp đồng cho thuê đất; quyết định cho thuê đất; giấy phép quy hoạch. "Nếu sai thì UBND huyện Đắk Hà phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của Sở Xây dựng chỉ là quản lý các công trình mình đã cấp phép" - ông Lưu nói.
Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Hiểu, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường Kon Tum), nói cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho các cá nhân tại hai khu đất công viên ở huyện Đắk Hà là do huyện đã cho thuê, chỉ cấp bổ sung tài sản trên đất.
Theo ông Hiểu, sổ đỏ do ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, ký cấp ghi mục đích sử dụng đất là "Đất khu vui chơi, giải trí". Tuy nhiên, khi cấp bổ sung tài sản thì trong luật, nghị định và hệ thống văn bản hướng dẫn không có mục đích sử dụng là đất "khu vui chơi, giải trí". Sau đó căn cứ theo hồ sơ mà huyện cho thuê đất, giấy phép xây dựng, diện tích đất này thực hiện kinh doanh nên cấp thành "đất thương mại, dịch dụ".
"Huyện cấp mục đích là đất khu vui chơi, giải trí là cấp theo dự án của huyện là khu vui chơi giải trí. Trên cơ sở đất các hạng mục, giấy phép mà UBND huyện, Sở Xây dựng cấp người ta đầu tư vào người ta kinh doanh. Mà đã kinh doanh thì đương nhiên đó là đất thương mại, dịch vụ rồi. Chúng tôi cấp theo hồ sơ thôi, chứ không phải tự ý"(?!) – ông Hiểu nói.
Ông Trịnh Ngọc Hiểu, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, nói quy định không có mục đích sử dụng là đất "khu vui chơi, giải trí" nên cấp thành "đất kinh doanh, dịch vụ" (!?)
Trong khi đó, khi được phỏng vấn, đa số người dân thị trấn Đắk Hà rất bức xúc vì địa phương không còn công viên để làm nơi vui chơi cho người dân. Tại Công viên Đắk Hà, khi thấy công viên được vây tôn, người dân cứ nghĩ huyện đang cho xây dựng, tu sửa công viên. Nhưng khi hoàn thành mới biết đó là do doanh nghiệp mở quán cà phê, phòng tập gym. Người dân muốn vào tham quan cũng phải bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ.
"Trước đây, huyện có 2 công viên thì giờ đã bị cho thuê cả hai, coi như cả huyện Đắk Hà không còn công viên nào nữa. Đất công viên bị doanh nghiệp thuê làm quán xá hết. Người dân làm gì còn chỗ đi dạo hay tập thể dục, con nít cũng không có nơi vui chơi giải trí. Nghĩ mà thương mấy đứa nhỏ, chỉ biết luẩn quẩn ở nhà chơi" – một người dân bức xúc nói.
Người dân muốn vào các khu công viên phải sử dụng dịch vụ của các chủ đầu tư
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, ký 2 Quyết định số 1385/QĐ-UBND cho ông Đinh Xuân Ba thuê diện tích hơn 10.500 m2 của Công viên 24 tháng 3 và Quyết định 1386/QĐ-UBND cho ông Phan Thanh Trường (cùng thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) thuê diện tích gần 11.200 m2 tại Công viên Đắk Hà. Thời hạn cho thuê 2 khu đất trên là 30 năm, bắt đầu từ ngày 1-11-2016 đến ngày 1-11-2046. Hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.
Sau khi thuê đất, 2 cá nhân trên đã được Sở Xây dựng cấp phép và đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình trên đất công viên công cộng. Sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kon Tum cấp sổ đỏ các diện tích đất trên nhưng mục đích đất từ công viên công cộng ban đầu chuyển thành "thương mại dịch vụ" với hình thức "sử dụng riêng".
Theo khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai 2013, quy định về đất sử dụng vào mục đích công cộng như khu vui chơi giải trí công cộng, khu sinh hoạt cộng đồng... không được xây dựng các công trình kinh doanh khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống. Như vậy việc xây dựng các cơ sở kinh doanh kiên cố trên diện tích các khu đất này là trái luật.
Trước đó, tại tỉnh Gia Lai cũng xảy ra 1 trường hợp tương tự và bị Kiểm toán Nhà nước tuýt còi.
Bình luận (0)