Việc bật loa với công suất lớn để hát karaoke trong khu dân cư ở TP HCM nói riêng, các tỉnh - thành trong cả nước nói chung, thực sự đã trở thành vấn nạn. Đáng nói, vấn nạn này xảy ra khi các quy định pháp luật hiện hành về xử lý tiếng ồn không thiếu nên đã gây ra những bức xúc âm ỉ, kéo theo bao vụ việc đau lòng.
Những cái chết thương tâm
Mới đây, một vụ án mạng liên quan đến loa kẹo kéo xảy ra tại huyện Bình Chánh, TP HCM khiến không ít người dấy lên sự lo sợ. Khoảng 15 giờ ngày 14-4, Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, ngụ Bến Tre) cùng nhóm bạn tổ chức ăn nhậu và dùng loa kẹo kéo hát karaoke tại phòng trọ (thuộc ấp 6, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) gây ồn nên ông N.V.B (50 tuổi, ngụ Cà Mau) ở kế bên dãy trọ có qua nhắc nhở và cãi vã, xô xát đã xảy ra. Được mọi người can ngăn, ông B. về nhà nhưng vẫn la mắng Khoa. Tức giận, Khoa về phòng trọ lấy một cây sắt dài đưa cho em họ là L.K.D rồi cả 2 cùng qua nhà ông B. hỏi chuyện. Khi đến nhà ông B., Khoa bị con trai ông B. dùng chai bia ném trúng người. Ông B. dùng chai bia tấn công Khoa. Trong lúc vật lộn, Khoa với lấy con dao trong nhà ông B. đâm 4 nhát vào người ông B., tuy được đưa đi cấp cứu nhưng ông B. đã tử vong sau đó. Ngày 15-4, Công an huyện Bình Chánh tạm giữ Nguyễn Thanh Khoa.
Cách đây không lâu, Công an TP HCM cũng vừa kết thúc điều tra và đề nghị truy tố một nhóm 8 người về tội "Giết người". Câu chuyện đau lòng xuất phát từ 2 nhóm ngồi nhậu trong quán cháo vịt. Một nhóm lấy loa kẹo kéo ra hát karaoke khiến không khí thêm sôi động. Cao hứng, người ngồi bàn kế bên sang mượn micro hát xong rồi quay về chỗ ngồi cười nụ. Chỉ bấy nhiêu, sau đó 2 nhóm hỗn chiến khiến 2 người tử vong tại chỗ.
Ở nhiều nơi, cứ hễ nhà có đám tiệc thì mặc nhiên kéo loa kẹo kéo ra hát bất chấp việc hàng xóm có khó chịu hay không
Trước đó, vào năm 2019, nhiều vụ việc đau lòng liên quan loa kẹo kéo liên tục xảy ra tại nhiều tỉnh, thành. Ngày 29-12-2019, tại một nhà trọ ở đường Võ Văn Kiệt (phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), khi 2 nhóm thanh niên đang tổ chức ăn nhậu trong 2 phòng trọ liền kề nhau. Lúc này, một nhóm mở thùng loa kẹo kéo để hát. Do hát quá lớn nên nhóm thanh niên nhậu ở phòng kế bên qua cự cãi và hậu quả một người đã bị đâm tử vong.
Trước đó, một vụ án mạng tương tự xảy ra tại thôn Phước Lợi (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khiến ông B.N.P.H (54 tuổi) bị thanh niên ở cùng dãy trọ đâm chết vì hát karaoke gây ồn ào trong dãy trọ...
Quy định đầy đủ nhưng bất cập
Bình luận về những vụ án mạng trên, nhiều người cho rằng tất cả xuất phát từ tiếng ồn, từ việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý... mà ra.
Theo ông Đặng Tuấn Khoa, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, bức xúc về ô nhiễm tiếng ồn chiếm khoảng 30% tổng số thông tin người dân phản ánh qua đường dây nóng của sở này (0838 293 653).
Việc xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn được căn cứ vào 2 quy định chủ yếu. Thứ nhất, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn, điều chỉnh các vi phạm về tiếng ồn phát sinh từ thời điểm 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau; theo đó, việc xử lý vi phạm không cần thiết bị đo đạc độ ồn phát sinh. Thứ hai, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, điều 17 quy định xử phạt về tiếng ồn nhưng việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào kết quả đo đạc.
Quy định có, sao việc xử lý không hiệu quả? Chánh thanh tra Sở TN-MT lý giải: Để xử phạt vi phạm tiếng ồn bắt buộc phải có kết quả đo đạc môi trường, việc đo đạc phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng trong khi nguồn ồn phát sinh không có thời điểm nhất định nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc. Một bất cập khác, theo ông Khoa, là quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn chưa có quy định đo độ ồn nền để làm cơ sở xác định vi phạm dẫn đến việc xử phạt chưa khách quan, chủ nguồn gây ồn không đồng ý kết quả xử lý do quá trình đo bị cộng hưởng bởi nhiều nguồn ồn khác.
Để việc xử lý tiếng ồn hiệu quả hơn, hạn chế những vụ tranh chấp không đáng có, ông Khoa cho biết Sở TN-MT đang tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ Công an, Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn tại Nghị định 167/2013 và Nghị định 155/2016. Ngoài ra, Thanh tra Sở TN-MT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nói chung và tiếng ồn nói riêng.
Tuy nhiên việc xử lý tiếng ồn, theo ông Khoa, là trách nhiệm chính của các quận - huyện bởi trước đó năm 2019, UBND TP đã có văn bản triển khai các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn và rải đinh, vật nhọn trên đường. Trong đó, đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn, TP chỉ đạo UBND quận - huyện yêu cầu các xã - phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn đến từng người dân và khu dân cư. Chủ tịch UBND và trưởng công an phường - xã trực tiếp chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm quy định về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý.
Cần cơ quan chức năng có mặt kịp thời!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng để bảo đảm an ninh trật tự và không xảy ra những sự việc đáng tiếc, các cơ quan có thẩm quyền như công an, chính quyền địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình có trách nhiệm đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng loa gây ồn.
Còn theo chị Nguyên Hạnh (ngụ quận 12), với người dân như chị thì chỉ cần cơ quan chức năng xuất hiện kịp thời khi người dân điện báo về những điểm gây ồn trong khu dân cư là ổn. Bởi chị đã chứng kiến cứ khi cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời thì trật tự nhanh chóng được lập lại.
Bình luận (0)