Ngày 16-11, Quốc hội (QH) bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn đầu tiên.
Mỗi năm, xử lý 300 cán bộ
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi Bộ Tài chính có giải pháp gì để tháo gỡ thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) vì đây là nguyên nhân cản trở lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn vào ngày 16-11 Ảnh: NGUYỄN NAM
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết hiện chỉ còn 200 danh mục hàng hóa chịu sự KTCN nhưng có đến 100.000 mặt hàng. Việt Nam có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn gấp 1,6-1,7 lần GDP và đây là vấn đề rất hệ trọng, là "chốt" cần phải tháo gỡ để thúc đẩy giao thương. Tuy nhiên, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28%, 72% còn lại là thuộc các bộ, ngành khác nên phải phối hợp đồng bộ mới khắc phục được.
Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý Bộ trưởng Tài chính đây là vấn đề rất hệ trọng thì từ nay đến cuối năm làm tiếp được việc gì, đến tháng 6-2018 có hoàn thành cắt giảm thủ tục KTCN hay không? Bộ trưởng hứa sẽ cố gắng hoàn thành và chuyển sang cơ chế hậu kiểm, kiểm soát rủi ro thay vì tiền kiểm như hiện nay?
Không đồng tình với Bộ trưởng Tài chính, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) khẳng định có tình trạng ngân sách nhà nước "một phần đội nón ra đi, một phần chảy vào túi cán bộ", gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng, trách nhiệm chính ở một số vụ việc liên quan đến công tác hải quan.
"Trong vụ án 213 container ở cảng Cát Lái (TP HCM) biến mất, có hơn 30 cán bộ hải quan phải hầu tòa. Ở vụ án Trần Thị Bích Huyền buôn lậu, cơ quan chức năng cũng vừa bắt 2 cán bộ hải quan. Trách nhiệm của bộ trưởng và cán bộ ngành hải quan đến đâu khi xảy ra các vấn đề này. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức của một số cán bộ hải quan?" - ĐB Nguyễn Văn Chiến chất vấn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời quan điểm của Bộ Tài chính là kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Mỗi năm có khoảng 300 cán bộ thuế, hải quan bị xử lý, kỷ luật, điều chuyển vị trí công tác do sai phạm. "Chúng tôi không đổ lỗi do khách quan mà phải nhìn trực diện đây là suy thoái đạo đức của cán bộ. Từ đó có giải pháp xử lý và đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan" - Bộ trưởng thừa nhận.
Doanh nghiệp phải "đi đêm" với cán bộ thuế
Nội dung quản lý thuế để xảy ra thất thoát, nợ đọng thuế cao và tình trạng trốn thuế phổ biến của hộ kinh doanh cũng nóng nghị trường khi có nhiều ĐB cùng đặt câu hỏi và sử dụng quyền tranh luận để làm rõ vấn đề.
ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) chất vấn tỉ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam khoảng 73.000 tỉ đồng là ở mức nào so với các nước trong khu vực. Khá lúng túng, Bộ trưởng Tài chính cho biết tỉ trọng nợ thuế của Việt Nam ngang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và cao hơn một chút so với các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về giải pháp quản lý thuế trong bối cảnh cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp (DN) quá dễ dãi, còn ngành thuế thiếu công khai, một số cá nhân tiếp tay cho việc trốn thuế, Bộ trưởng Tài chính hứa sẽ đẩy mạnh thanh - kiểm tra nhưng chưa có giải pháp tăng cường phối hợp quản lý DN từ phía cơ quan cấp phép đầu tư… Liên quan đến việc cán bộ thuế "đi đêm" với hộ kinh doanh để nộp thuế thấp, Bộ Tài chính thừa nhận trong một nghiên cứu năm 2015 đã xác định có 63% DN cho biết có "đi đêm" với cán bộ thuế.
Trả lời chất vấn của ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) về hiện tượng chuyển giá trong khu vực FDI đã xử lý được những sai phạm gì, tình trạng "lãi thật, lỗ giả" còn không, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong tháng 2 đã có Nghị định 20 để điều chỉnh. Chuyển giá có nhiều khâu, ngay từ khi đầu tư đã khai khống giá thiết bị để được khấu hao cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình chuyển giá, kê khai đang phức tạp nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Khi đầu tư đáng 500 tỉ đồng mà bảo 1 tỉ đồng thì đã nguy hiểm.
Cam kết không tăng trần nợ công
Lo lắng về nợ công, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu vấn đề nợ công đang tăng cao, nhiều năm ngân sách không có số dư trả nợ, tổng mức ODA đang ngoài tầm kiểm soát. Để có số nợ vay ODA quốc gia cần bao nhiêu thời gian trả nợ. Có giữ được trần nợ công không?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vẫn giữ được tổng mức vay ODA trung hạn là 300.000 tỉ đồng nhưng có thể trồi lên, tụt xuống mỗi năm. Điểm tích cực là cơ cấu nợ công đã chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước với tỉ lệ 40%-60%, kỳ hạn vay tăng, lãi suất giảm còn một nửa so với trước. ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tranh luận: "Vay trong nước hay nước ngoài đều phải trả nợ gốc và lãi. Cốt lõi vẫn là hiệu quả đầu tư. Nhưng có tình trạng dự án để dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy vẫn vay vốn nước ngoài để đầu tư giai đoạn 2. Bộ trưởng biết không?
"Chia lửa" với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định các dự án còn tùy tiện, vượt so khả năng cân đối của ngân sách, có giai đoạn hơn 20.000 dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn nên việc dàn trải, thất thoát, dừng, giãn, hoãn rất lớn. Nay, số lượng dự án đã giảm, nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung để xử lý dứt điểm.
Không thỏa mãn với trả lời của "tư lệnh" ngành kế hoạch - đầu tư, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khẳng định nguyên nhân không phải thiếu luật mà do thực hiện luật chưa nghiêm. Nếu trong năm 2017 vẫn chưa khắc phục thì tới năm 2021 sẽ càng nghiêm trọng.
Thay mặt Chính phủ giải trình trước QH về nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nhiều chuyên gia đã khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu đề xuất nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, Chính phủ tính toán kỹ và thấy trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Cuối năm 2016 vay trả nợ nước ngoài đã vượt quá giới hạn cho phép 25% nên không đề xuất nới trần nợ công.
NHẬN XÉT
ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Nói dài, ít giải pháp
Ưu điểm lớn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là trả lời các vấn đề rất chi tiết, cung cấp đầy đủ thông tin, minh chứng cần phải giải đáp cho ĐB. Điều đó chứng tỏ ông đã nắm rất chắc những vấn đề trong ngành mình quản lý. Tuy nhiên, có thể vì tự tin nắm rõ vấn đề nên trả lời lan man, nặng cung cấp thông tin mà chưa chú trọng đưa ra các giải pháp là điều mà các ĐB đặt câu hỏi mong muốn. Các ĐB mong thời gian tới có những giải pháp gì đột phá hơn thì chưa thấy bộ trưởng mạnh dạn đưa ra.
ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN (TP HCM):
Đáp ứng được yêu cầu
Về trả lời cũng như những giải pháp Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu của ĐB. Tuy nhiên, trong ngôn từ hay cách trả lời đôi khi kéo dài làm cho Chủ tịch QH phải nhắc nhở. Dù vậy, chúng ta cũng phải hiểu áp lực trả lời chất vấn của người đầu tiên đăng đàn thì cung cấp đầy đủ thông tin là điều quan trọng nhất.
ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG (Bến Tre):
Thể hiện sự quyết tâm lớn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời tốt. Phần trả lời rất thuyết phục bởi câu trả lời hay, không cần ngôn ngữ hay mà quan trọng nhất là được chứng minh bằng những số liệu cụ thể, những giải pháp cụ thể. Trong phần giải pháp, bộ trưởng đã thể hiện sự quyết tâm lớn, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, bộ trưởng cũng cam kết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm liên quan công tác cán bộ.
ĐB ĐẶNG NGỌC NGHĨA (Thừa Thiên - Huế):
Cần nghe dư luận
Có những nội dung Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời còn chung chung, chưa đi vào câu hỏi của ĐBQH. Ví dụ vấn đề quản lý nợ công, thất thu thuế... Đặc biệt là thất thu ngân sách. Tôi chất vấn về vấn đề thất thu của nhiều loại hình doanh mới như kinh doanh trên mạng, Facebook, Google, Grab… bộ trưởng nói là có biết và đang nghiên cứu. Đây là lĩnh vực của ngành, lẽ ra bộ này phải chủ động quản lý.
V.DUẨN ghi
Bình luận (0)