Đông trùng hạ thảo tự nhiên vùng Tây Tạng được ví như "tiên dược sức khỏe" nhưng chúng lại rất quý hiếm và đắt đỏ. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, nhộng trùng thảo và đông trùng hạ thảo đã được nuôi cấy thành công trong môi trường nhân tạo.
Tương tự và vượt trội tự nhiên
Đông trùng hạ thảo thiên nhiên chắc chắn có hàm lượng khoáng chất thiên nhiên và dưỡng chất hữu cơ sẽ cao hơn hẳn trùng thảo được nuôi cấy. Tuy nhiên, việc nuôi đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm sẽ giữ được lượng lớn hoạt chất có lợi giúp bảo vệ tim mạch, điều hòa ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị ung thư, ngăn chặn sự hình thành và phát triển các tế bào khối.
Hiện nay, có 2 loài nấm đông trùng hạ thảo được nuôi nhân tạo chủ yếu là cordyceps militaris và cordyceps sinensis. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hoạt chất của 2 chủng nấm này, đồng thời có những nghiên cứu về nhân nuôi nhân tạo nhộng trùng thảo cũng như trên nhộng sâu, nhộng tằm nhằm tạo ra đông trùng hạ thảo giống tự nhiên. Các nghiên cứu cũng đã chỉ rõ các hoạt chất trong đông trùng hạ thảo nuôi cấy có nhiều tác dụng cho sức khỏe như: hỗ trợ kháng khuẩn, cải thiện chức năng thận, hỗ trợ tăng cường sinh lý, hỗ trợ hạ huyết áp, hỗ trợ hạ đường huyết, chống ôxy hóa... Đặc biệt, có những tác dụng tương tự hay vượt trội hẳn so với đông trùng hạ thảo trong tự nhiên, đã được xác nhận và công bố, như hàm lượng cordycepin là 432mg/100, cao hơn rất nhiều so với đông trùng hạ thảo tự nhiên là 98 mg/100g.
Ngoài ra, đông trùng hạ thảo nuôi cấy trên nhộng tằm còn có ưu điểm về giá cả. Thay vì phải bỏ số tiền lớn để săn tìm đông trùng hạ thảo Tây Tạng, với số tiền nhỏ hơn, chi tiêu hợp lý hơn, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo nuôi trồng để bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng.
Thực tế trong thời gian qua, đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào thực hiện việc nhân nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tiêu thụ trong nước. Đã có rất nhiều thành phẩm từ đông trùng hạ thảo nhân tạo được quảng bá rộng rãi trên thị trường Việt Nam hiện nay, với các mức giá khác nhau và chất lượng khác nhau. Chất lượng khác nhau ở đây có thể do ảnh hưởng của nguồn giống (giống cordyceps militaris được đánh giá nuôi nhân tạo cho hoạt tính cao hơn cordyceps sinensis), quy trình nhân nuôi cũng ảnh hưởng do các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thành phần môi trường…
Đông trùng hạ thảo được nuôi nhân tạo Ảnh: Thu Hồng
Dễ dàng nhân nuôi
Vậy nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo có khó không? Và muốn nuôi cấy thì cần phải chuẩn bị làm những gì? Đây là những câu hỏi mà bất cứ người nào muốn tìm hiểu nghiên cứu về nhân nuôi đông trùng hạ thảo đều quan tâm và muốn biết.
Bạn có thể tìm mua giống ở những cơ sở, phòng thí nghiệm được cấp phép để có được ống giống chuẩn ban đầu đạt tiêu chuẩn và chất lượng. Do hoạt tính của loài cordyceps militaris được đánh giá tốt hơn và cho sản lượng cao hơn loài cordyceps sinensis, nên khi mua, bạn hãy tìm đúng chủng loại giống để có hiệu quả cao như mong đợi.
Môi trường để nuôi cấy đông trùng hạ thảo là hỗn hợp nước dừa, gạo lứt, nhộng tằm được xay nhuyễn và phân đều vào các hộp nuôi cấy. Trước khi đem nuôi cấy, môi trường được hấp tiệt trùng trong 20 phút và 1 atm. Nếu bạn không có nồi hấp chuyên dụng, có thể sử dụng nồi áp suất tại nhà (hấp môi trường trong khoảng 2-2,5 giờ). Để môi trường nguội rồi tiến hành cấy giống đông trùng hạ thảo vào nuôi.
Môi trường tự nhiên của nấm đông trùng hạ thảo chính là những con sâu hoặc nhộng sâu nằm dưới đất. Do đó, trong nhân nuôi nhân tạo, bạn có thể sử dụng những con tằm hoặc nhộng tằm làm vật thể nuôi cấy nấm, tạo đông trùng hạ thảo.
Bạn có thể tận dụng các phòng trống, mát mẻ và có máy lạnh để nuôi đông trùng hạ thảo. Bên trong phòng phải chuẩn bị các kệ chứa để đặt các hộp môi trường nuôi cấy nhộng trùng thảo hoặc hộp chứa giá thể nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Trên các kệ có lắp đặt các đèn led chuyên dụng. Có máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm trong phòng 75%-80%, nhiệt độ từ 18-20 độ C. Thiết bị đo độ ẩm và nhiệt độ được đặt ở vị trí trung tâm nhằm kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ trong phòng. Tùy mục đích bạn nuôi để sử dụng hay thương mại mà diện tích phòng nuôi có thể lớn, nhỏ.
Sau khi cấy giống trùng thảo vào, các hộp môi trường được chuyển tới phòng tối và bảo đảm điều kiện môi trường: độ ẩm dao động từ 75%-80%, nhiệt độ từ 18-25 độ C. Sau khoảng 10-12 ngày, các sợi nấm sẽ ăn kín toàn bộ bề mặt của môi trường sinh khối. Lúc này, ta sẽ đưa tất cả lọ cơ chất sang giai đoạn 2: tạo và nuôi quả thể.
Chuyển các hộp môi trường từ giai đoạn 1 lên các kệ có đèn sáng để kích thích tạo quả thể. Lúc này, cần điều chỉnh nhiệt độ khoảng từ 18-20 độ C và độ ẩm dao động từ 75%-80%. Mỗi ngày, cần chiếu sáng 12 giờ với cường độ 1.000 lux. Sau khoảng 2 tháng, cường độ chiếu sáng có thể giảm xuống còn 700-800 lux. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ những hộp môi trường không đạt hoặc bị nhiễm nấm khác. Hộp môi trường nuôi cấy đạt là hộp có nấm (vàng tươi hoặc màu cam đậm) mọc trên khắp bề mặt môi trường nuôi cấy; các quả thể nấm mọc dài và phủ đều trên mặt môi trường.
Khi thấy các quả thể nấm chuyển sang màu vàng đậm hơn phần thân cũng là lúc có thể thu hoạch nhộng trùng thảo và đông trùng hạ thảo nguyên con. Như vậy là bạn đã hoàn thành quy trình nhân nuôi nhân tạo, cho ra được sản phẩm đông trùng hạ thảo nhân tạo có thể sử dụng trong gia đình hoặc mục đích thương mại.
Bình luận (0)