Chiều 21-3, dòng người vẫn đổ về Hội trường Thống Nhất (TP HCM) chờ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong giai điệu trầm hùng của khúc ca "Hồn tử sĩ", từng người lặng lẽ đến trước linh cữu, cúi đầu thắp nén nhang tiễn biệt cố Thủ tướng về với đất mẹ.
Người lãnh đạo thân thiện
Trong ký ức của bà Nguyễn Ngọc Mai (89 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), ông Sáu Khải không chỉ là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết, tài trí mà còn người đồng đội thân tình, bình dị. Bà Mai kể bà quen ông khoảng năm 1947, khi ông vừa rời quê theo cách mạng. Bà nhớ như in Phan Văn Khải khi đó là cậu thiếu niên hiền lành và năng nổ. "Việc gì ông ấy cũng không ngại, từ dọn dẹp văn phòng cho đến đi đưa thư, đào hầm trú ẩn… Con người bình dị, chịu thương chịu khó nên ông Sáu lúc nào cũng được mọi người yêu mến" - bà Mai hồi tưởng.
Dòng người vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất, ngày 21-3 Ảnh: GIA MINH
Bà Mai kể khi biết tin nguyên Thủ tướng từ trần, bà muốn xuống nhà riêng để viếng nhưng tuổi già sức yếu nên không đi được. Sau khi linh cữu ông được chuyển tới Hội trường Thống Nhất, bà đến với tâm nguyện thắp nén nhang tiễn biệt ông - người đồng chí bà quý trọng, thương yêu.
Cũng từng tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đại tá Đinh Văn Huệ - cán bộ hưu trí, cựu chiến binh quận 10, TP HCM - cho biết ông Sáu Khải là người lãnh đạo thân thiện, chịu tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân. Với tính cách đậm chất Nam Bộ, nguyên Thủ tướng rất thẳng thắn, giản dị, mộc mạc, chân thành… Khi còn Thủ tướng, ông đã có những quyết sách, nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông lại dành nhiều thời gian cho công tác khuyến học ở địa phương, vận động đóng góp xây trường, vận động học trò đến lớp… Ngoài ra, nguyên Thủ tướng cũng quan tâm chia sẻ khó khăn với người dân nghèo… "Ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta" - ông Huệ nói trong tiếc nuối.
Một con người đáng nể
Ông Đặng Xuân Hồng (83 tuổi, quê Thanh Hóa) - người từng tham gia 2 cuộc kháng chiến - đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 21-3 trong ngậm ngùi. Thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh, những gian khổ của người chiến sĩ nên ông càng nể trọng những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng. "Cuộc đời ông Phan Văn Khải dành hết cho cách mạng, cho đất nước. Ông là một người lãnh đạo mẫu mực, đóng góp nhiều công lao nhưng lại luôn bình dị, thân tình, một con người đáng nể trọng" - ông Hồng bày tỏ.
Là một cựu chiến binh và thuộc thế hệ sau nhưng bà Phạm Thị Xuân (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vẫn cảm nhận được con người, phẩm chất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Bà Xuân được con đưa tới lễ viếng vào chiều 21-3 và sau đó nán lại hàng giờ ở Hội trường Thống Nhất, không muốn rời đi. "Những người thuộc thế hệ chúng tôi hiểu rõ sự gian truân thời chiến và những khó khăn, vất vả thời kỳ vừa đổi mới. Thủ tướng Phan Văn Khải - người đóng góp nhiều công lao khi đất nước khó khăn - chúng tôi càng không quên..." - bà Xuân chia sẻ.
Bà Lê Thị Hồng (68 tuổi, quê Gia Lai) cho biết khi nghe tin nguyên Thủ tướng mất, bà đã tới Hội trường Thống Nhất từ tối 19-3 chờ đón linh cữu ông. Còn ông Đinh Văn Lý (63 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng), đón xe từ Lâm Đồng tới TP HCM sáng 20-3 để chờ vào viếng nguyên Thủ tướng. Nhiều người khác cũng vậy, họ chưa một lần được gặp ông nhưng bởi sự tin yêu, kính trọng, đã đến với tâm nguyện muốn được thắp nén nhang, tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng.
Trong 2 ngày tổ chức Quốc tang, tại Hội trường Thống Nhất, rất nhiều học sinh từ các trường cũng theo thầy cô tới viếng nguyên Thủ tướng. Các em chưa một lần được gặp mặt ông nhưng qua lời kể từ những người đi trước, những bài viết nói về ông, mỗi em đều không giấu được sự kính trọng và luyến thương. Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), chia sẻ rằng thầy trò của trường tới viếng nguyên Thủ tướng bởi lòng biết ơn, sự cảm kích trước những công lao to lớn của ông. "Hình ảnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi lễ khánh thành trường vào năm 2015, thầy trò tại trường không thể nào quên. Sau khi đã về hưu, ông vẫn rất chăm lo tới việc học tập của các thế hệ sau này" - thầy Bình nói.
TP HCM mãi khắc ghi...
Ngày 21-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghi vào sổ tang: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mãi mãi trân trọng, khắc ghi những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của TP, đặc biệt với cương vị Chủ tịch UBND TP những ngày đầu đổi mới, đương đầu với rất nhiều khó khăn và thử thách, mãi mãi trân trọng, khắc ghi hình ảnh về Người con ưu tú của đất Gia Định, của quê hương Củ Chi đất thép thành đồng, của TP mang tên Bác Hồ".
. Cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP HCM đã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
B. NGỌC
Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút ngày 22-3-2018 tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM.
Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ truy điệu.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu và Lễ an táng.
Bình luận (0)