Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần vào hồi 23 giờ 12 ngày 1-10. Phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện của nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc, người có nhiều năm gắn bó với Tổng Bí thư trên cả phương diện công việc và cuộc sống.
Làm việc phi thường
Ông Võ Hồng Phúc may mắn được làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi nguyên Tổng Bí thư đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào đầu những năm 80. Thời điểm này, ông Phúc đang là cán bộ cấp vụ tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ KH-ĐT).
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần vào ngày 1-10. Ảnh: Vietnamnet
Trong ký ức của ông Phúc vẫn còn in đậm hình ảnh làm việc quên thời gian của Tổng Bí thư trong những chuyến công tác thăm dò dầu khí tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. "Đầu những năm 80, Việt Nam hợp tác với Liên Xô trong việc thăm dò dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, khi đó nguyên Tổng Bí thư là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã dẫn đoàn công tác vào Nam ra Bắc liên tục để làm việc"- ông Phúc nhớ lại.
Để nói về sức làm việc và tinh thần của Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Võ Hồng Phúc đã dùng 2 từ "phi thường". Sở dĩ ông Phúc dành cho vị lãnh đạo cấp trên của mình những lời như vậy bởi ông không thể quên những chuyến công tác tại Vũng Tàu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thường ngủ rất ít, thức dậy từ khoảng 3-4 giờ sáng. Tới 5 giờ, ông Đỗ Mười đã gọi yêu cầu cấp dưới báo cáo kế hoạch để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
"Có những chuyến công tác, anh em chúng tôi đang ngủ thì nhận điện thoại của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu báo cáo nhanh về tiến độ thăm dò, kế hoạch của hôm nay như thế nào để tiết kiệm tối đa thời gian, làm việc có hiệu quả"- ông Phúc kể về cố Tổng Bí thư.
Ông Võ Hồng Phúc ấn tượng sâu đậm về sức và tinh thần làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười
Nhắc lại quá trình công tác của Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phúc nhấn mạnh nguyên Tổng Bí thư là một người rất sâu sát với công việc, làm việc quên ngày quên đêm. "Có những cán bộ cấp dưới ban đầu "sợ" khi phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gọi điện yêu cầu báo cáo công việc từ sáng sớm, nhưng sau những lần như thế chúng tôi đều học được tinh thần làm việc hết mình, hăng say ở ông"- nguyên bộ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ.
Tổng Bí thư và bữa "cơm bình dân"
Sâu sát trong công việc, bình dân trong lối sống, sinh hoạt là những ký ức về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười mà ông Võ Hồng Phúc chia sẻ với chúng tôi. Làm việc và tiếp xúc với ông Đỗ Mười từ đầu những năm 80 cho đến khi nguyên Tổng Bí thư sang làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Phúc đã có rất nhiều chuyến công tác cùng cấp trên.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc chia sẻ kỷ niệm những chuyến công tác cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười - Ảnh: Ngô Nhung
Điều khiến ông Phúc cảm phục cố Tổng Bí thư là lối sống giản dị. Những lần đi công tác vào phía Nam, Tổng Bí thư luôn căn dặn các địa phương không đón tiếp rình rang, chỉ "cơm bình dân" là làm việc có hiệu quả rồi.
"Tôi nhớ mãi cố Tổng Bí thư thích ăn món vừng đen. Kể cả trong các lần đi công tác, ông không yêu cầu gì nhiều ngoài một bát vừng đen để ăn thêm với cơm"- ông Võ Hồng Phúc nhớ lại.
Việc biếu, tặng quà dịp lễ, tết, sinh nhật... đều được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười quán triệt với cấp dưới. Ông Phúc nhớ lại lời nguyên Tổng Bí thư từng nói, truyền thống cha ông chúng ta là quý mến nhau, trân trọng nhau thì biếu nhau một chút quà thơm thảo, nhưng đó phải là những món quà bình dị, quà quê, là tấm lòng. Những món quà vật chất có giá trị là điều tối kỵ.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 19 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hoả Lò-Hà Nội.
Tháng 3-1945, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Sau tháng 8-1945, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Đỗ Mười lần lượt đảm nhận các công tác khác nhau tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Liên khu 3; Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Nam Định; Khu ủy viên Khu 3 kiêm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phó Bí thư liên Khu ủy 3 kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3; chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu 3; Bí thư Khu ủy tả ngạn Sông Hồng kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu tả ngạn Sông Hồng.
Năm 1955, ông là Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hải Phòng.
Tại hội nghị Trung ương tháng 3-1955, ông Đỗ Mười được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II. Một năm sau, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội thương. Năm 1958, ông được cử giữ chức bộ trưởng bộ này.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ông Đỗ Mười được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1961 - 1969, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra của Chính phủ. Từ 1969 - 1971, ông được cử giữ chức Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng.
Năm 1971, ông Đỗ Mười được Quốc hội khoá IV bầu giữ chức Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản.
Từ tháng 6-1973 đến tháng 11-1977, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Xây dựng.
Tháng 12-1976 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 1976-1981.
Tháng 7-1981, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6-1988, Quốc hội khoá VIII bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương (6-1991-12-1997).
Tháng 12-1997, ông được hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá VIII) cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2001.
Bình luận (0)