Sáng 26-10, trước tình hình bão số 9 (tên quốc tế Molave) có cường độ rất mạnh đang di chuyển nhanh vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận để bàn biện pháp ứng phó.
Bão cực kỳ nguy hiểm
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết đây là cơn bão mạnh đặc biệt. Các đài quốc tế dự báo sức gió mạnh nhất trên biển Đông sẽ ở cấp 13-14, khi vào vùng biển ven bờ xuống cấp 12. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định vùng ảnh hưởng của bão kéo dài từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ nhưng tập trung đi vào khu vực Trung Trung Bộ - Nam Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến 16 giờ ngày 27-10, tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 400 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
"Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8-10 m, khu vực ven biển các tỉnh Trung Bộ sóng cao 5-7 m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên. Còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1 m. Gió mạnh không chỉ ở các tỉnh khu vực ven biển mà có thể gió giật cấp 8-9 xảy ra khu vực Tây Nguyên" - ông Khiêm cảnh báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phòng chống bão số 9 sắp đổ bộ vào Việt Nam tại cuộc họp vào sáng 26-10
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin từ ngày 27 đến 30-10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 200-350 mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500-700 mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 9, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão mạnh cấp 12, 13 là gần 1,3 triệu người. "Cơn bão này dự báo sẽ rất mạnh, do đó chúng ta phải có phương án chủ động ứng phó. Kiên quyết không cho người dân quay lại lồng bè khi chưa có ý kiến của chính quyền địa phương. Phải bảo đảm an toàn cho người dân ở trên các đảo, kể cả khách du lịch" - ông Hoài nói.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - cho hay Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận triển khai các lực lượng, phương tiện phòng chống bão với gần 367.000 lượt người, 3.600 phương tiện.
Dồn sức chống bão
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta đang trong tình trạng "bão chồng bão, lũ chồng lũ", đặc biệt ở khu vực miền Trung. Các địa phương nghiêm túc triển khai công điện của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo về ứng phó bão số 9. Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua vẫn tiếp tục triển khai.
Thủ tướng chỉ đạo: "Cứu người là quan trọng nhất. Dùng tất cả giải pháp có thể, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ. Nếu các chủ lồng bè vì muốn bảo vệ tài sản mà vẫn cố tình để người lao động ở lại, xảy ra thiệt hại về người thì phải xử lý hình sự" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Thủ tướng cũng cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp.
Lưu ý công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương làm công tác này tốt nhất. Các trung đoàn, sư đoàn, lực lượng biên phòng trên địa bàn phải tập trung sức hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng. Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn.
Cùng ngày, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1470/CĐ-TTg ngày 26-10-2020 gửi các bộ, ngành, địa phương từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận yêu cầu triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9.
15.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp
Đánh giá nhanh về tình hình lũ lụt tại miền Trung, thông tin tại cuộc họp sáng 26-10 tại Hà Nội cho biết ước tính có 7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó 1,3 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp, 150.000 người dễ bị tổn thương. Dự kiến sẽ có thêm bão/áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối tháng 10 ảnh hưởng trực tiếp khu vực miền Trung.
Về an ninh lương thực và sinh kế, hiện có ít nhất 150.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới (thời gian giáp hạt); 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế, sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo trong 6 tháng tới.
V.Duẩn
Bình luận (0)