Ngày 27-11, ông Bạch Ngọc T. (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động ông là người trong những bức ảnh cầm hai con chim bị vặt lông, gây xôn xao cộng đồng mạng. "Tôi đã làm việc cơ quan chức năng để làm rõ thông tin vì hai ngày qua tôi nhận rất nhiều lời chửi bới, cuộc sống xáo trộn", ông T. nói.
Giải thích về nguồn gốc tấm ảnh, ông T. cho biết chụp tại huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ông phân trần: "Lúc đó tôi dừng ở một quán nước và được người dân mời mua con chim này. Tôi xin chụp hình đưa lên mạng chứ không mua, không ăn".
Ảnh ông T. cầm chim đăng trên mạng xã hội
Ông cho rằng giá trị mà người bán đưa ra chỉ 120.000 đồng/con và đây là loài chim Cao Cát, không quý hiếm. Ông T. bức xúc: "Có một số người còn ghép ảnh. Làm hại người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam cho biết qua những tấm ảnh trên mạng xã hội khẳng định chim trong ảnh là chim Hồng Hoàng, cực kỳ nguy cấp.
Hơn 10 năm trước, ông và một nhóm chuyên gia có đến khu rừng tại Bùi Gia Mập (lúc đó chưa thành lập Vườn quốc gia) đã phát hiện rất nhiều mỏ chim Hồng Hoàng vứt khắp nơi. Lúc đó người dân ở đây săn bắt và làm thịt rất nhiều.
Trả lời câu hỏi, có hay không con chim mà ông T. chụp đưa lên mạng là loài Cao Cát, không phải quý hiếm? Ông Long khẳng định: "Chắc chắn là chim Hồng Hoàng. Không thể nói kích thước nhỏ là Cao Cát được. Chúng tôi rất bức xúc và phản đối hành vi xâm hại đến chim quý hiếm. Cần phải truy tố".
Cùng ngày, ông Mai Văn Thới - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, nói với chúng tôi về loại chim bị vặt trụi lông mà ông T. cầm và đăng ảnh lên facebook: "Nhận định ban đầu của chúng tôi 80% đó là chim Cao Cát. Con Cao Cát nhỏ, thấp, khi nó đứng chỉ khoảng 45-50cm, nặng tối đa khoảng 1,5kg. Riêng con Hồng Hoàng khi đứng cao khoảng 1,2m, nặng tới 4kg". Tuy nhiên ông Thới cho rằng nhận định chính xác qua hình ảnh là rất khó.
Chim Cao Cát
Chim Hồng Hoàng (nằm trong sách đỏ)
Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, Cao Cát không nằm trong sách đỏ nhưng nằm trong phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Do đó nếu buôn bán, giết 2 con chim Cao Cát thuộc loại hoang dã (không phải loại được cấp phép gây nuôi – PV) sẽ bị xử phạt hành chính.
Ông Thới cho biết Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã hẹn làm việc với ông T. trong ngày 27-11, tuy nhiên ông T. nói phải làm việc trước với công an huyện Củ Chi (TPHCM, nơi ông sống). Về thông tin, ông T. nói thấy người dân buôn bán 2 con chim như hình ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, ông Thới cho biết cử lực lượng đi kiểm tra, xác minh. Ông Thới cũng cho hay ở Tây Ninh có không ít hộ dân nuôi chim Cao Cát, nhưng trước giờ chưa phát hiện điểm mua bán giết thịt nào rầm rộ.
Trong khi đó, cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Tánh - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước nói về loại chim mà ông T. khoe trên facebook: "Con đó là con Cao Cát, nó nhỏ xíu, bằng con gà. Còn chim Hồng Hoàng phải bằng con ngỗng kia. Mỏ Hồng Hoàng màu vàng xẫm còn mỏ con này vàng nhạt". Ông Tánh cho biết cả Cao Cát và Hồng Hoàng đều có trong vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) và một số nơi khác.
Bình luận (0)