Hiện chất thải rắn sinh hoạt ở Côn Đảo khoảng 11 tấn/ngày, được thu gom về Bãi Nhát để lưu giữ. Đến nay, Côn Đảo tồn hơn 70.000 tấn rác thải chưa được xử lý. Dự báo đến năm 2025, khối lượng rác phát sinh tiếp tục tăng cao.
Để đối phó với núi rác trước mắt, từ năm 2020, tỉnh BR-VT đã phê duyệt kết quả đánh giá của hội đồng xét chọn, lựa chọn liên doanh Công ty CP Đầu tư Kim Trường Phát và Công ty CP H-T Giang San là nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý ô nhiễm chất thải rắn tồn đọng bằng giải pháp công nghệ đốt tại chỗ, áp dụng cho khu vực Bãi Nhát. Theo UBND huyện Côn Đảo, sau khi xử lý xong lượng rác tồn đọng tại Bãi Nhát, nhà đầu tư sẽ rút toàn bộ dây chuyền. Khu đất tập kết rác được đưa vào quy hoạch đất dịch vụ du lịch để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Song song với nhiệm vụ xử lý dứt điểm lượng rác thải đang tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát, tỉnh BR-VT cũng kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Mục tiêu của dự án là xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Côn Đảo, tái chế một số sản phẩm có ích nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường thuận lợi về xử lý chất thải sinh hoạt để thu hút nhà đầu tư khác đến đầu tư tại địa phương. Quy mô dự án, giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66,23 tấn/ngày.
UBND tỉnh BR-VT cũng đặt ra yêu cầu dự án xử lý rác thải cho Côn Đảo phải ưu tiên dây chuyền công nghệ có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các nước phát triển (G7, EU), có cam kết hoặc xác nhận công nghệ của bên sở hữu công nghệ hoặc bên cung cấp chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo không ít doanh nghiệp, dù tỉnh BR-VT khá "nóng ruột" để có nhà máy xử lý rác nhưng thực tế cho thấy việc tìm được nhà đầu tư không hề đơn giản khi quỹ đất hạn hẹp, chi phí đầu tư lớn vì phải áp dụng công nghệ tiên tiến.
Bình luận (0)