Con đường từ chợ Châu Sa (TP Quảng Ngãi) về xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn) quanh co. Qua khỏi ngã tư vùng trung tâm xã Bình Phú cũ là đến thôn Liêm Quang đã thấy cánh đồng mía trải dài. Sau những cơn mưa đầu mùa, đồng mía xanh hơn.
Đi vào thơ ca, âm nhạc
Ông Võ Sỹ, 60 tuổi, nhà nằm bên đường liên xã thuộc thôn Liêm Quang, nghe tôi hỏi, phấn khích đưa tay chỉ về hướng Đông, rồi nói: "Thì từ Hóc Hứa đến Đồng Cả đều trồng mía. Năm nay, mía còn lan qua tận thôn Nhơn Hòa 1. Tính ra cũng nhiều. Nhưng còn lâu mới được như ngày xưa".
Vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi xưa bạt ngàn màu xanh của mía. Cây mía được trồng trên những bãi bồi, những cánh đồng phù sa ven sông Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu, sông Vệ. Rồi sau đó, cây mía ngược đường lên vùng sông Re, sông Liêng - nơi sinh sống của đồng bào H’re. Cây mía đi vào thơ ca, âm nhạc. Cây mía gắn bó với tuổi thơ và đời sống của mỗi con người.
Thu hoạch mía ở thôn Liêm Quang, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Đi qua mùa hạ nắng gay gắt rồi mùa thu, mưa về nên đồng mía tốt tươi. Rồi khi mùa đông đến, gió bấc thổi, những tàu lá mía khô trên đồng lại cất tiếng reo lao xao.
Cho đến tháng chạp, mía trổ bông trắng (mà người xứ Quảng gọi là mía trổ cờ, tức đã chín) thì người quê đắp lò, bắc chảo, dựng che vào mùa thu hoạch mía, nấu đường thủ công.
"Để cho công bằng, người quê thường bốc thăm xem ai được đốn mía nấu đường trước. Còn chuyện công cán, chẳng tính toán gì. Mình được bà con góp công để thu hoạch mía, nấu đường thì mình trả công trở lại chứ không soi về diện tích mía nhiều hay ít. Mãi cho đến khi nhà nhà trong xóm thu hoạch hết mới thôi" - ông Võ Duy Hồng ở thôn Liêm Quang kể.
Nhớ ngay xứ mía đường
Mùa thu hoạch mía, nấu đường, làng quê xứ Quảng ngạt ngào trong mùi hương mía đường. Người quê mời nhau và mời khách đến thăm, thưởng thức bát nước chè hai (nước mía nấu cô giai đoạn đầu - PV) ngọt lịm hay đường dẻo (đường non - PV) kẹp bánh tráng chín, thơm lừng.
Chuyển mía vừa thu hoạch
Đường nấu thủ công đã tới, được thợ đem đổ ra muỗng làm bằng sành như chiếc nón úp, để ngược cho đông đặc. Sau khoảng một tuần thì nghiêng muỗng lấy đường ra, đem đặt lên những chiếc vò sành cho rút mật hoặc đổ vào những chiếc thùng phuy rồi đậy lại, nước sóng sánh thơm.
Đường Quảng Ngãi xưa theo ghe bầu rời cửa biển, rồi sau đó theo các chuyến xe hàng vào Nam, ra Bắc để bán buôn. Nên nói đến Quảng Ngãi, nhiều người nhớ ngay là xứ mía đường.
Từ cây mía, người xứ Quảng còn chế biến thành đường phổi, đường phèn, kẹo gương - những món đặc sản của Quảng Ngãi, vẫn cứ duy trì đến tận bây giờ.
Theo "Địa chí Quảng Ngãi", từ cuối thế kỷ XIX, sang những thập kỷ đầu thế kỷ XX, đường phổi được chuyển xuống thương cảng Thu Xà, xuất sang Pháp, Trung Quốc...
Một điều chẳng ai quên, đồng mía là nơi trú ngụ của loài chim mía. Chúng làm tổ trên những chiếc lá mía. Ban ngày, chim mía bay ra đồng tìm cào cào, lúa làm thức ăn, nên người quê làm rập bắt chim. Chim mía bắt được, đem hơ qua lửa, vặt lông, mổ bụng, dồn thêm hành tỏi và hạt đậu phụng, đem nướng, chấm muối ớt thơm lừng - là món ngon mà cũng là đặc sản của xứ Quảng xưa.
Cũng lắm thăng trầm
Từ nghề mía đường thủ công, sau ngày thống nhất, Quảng Ngãi nâng tầm thành ngành công nghiệp chế biến mía đường với Nhà máy Đường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi) có công suất chế biến 2.500 tấn mía cây/ngày và Phổ Phong (thị xã Đức Phổ) có công suất 1.500 tấn mía cây/ngày, quy hoạch vùng trồng mía lên đến 12.000 ha.
Anh Nguyễn Công, chủ cơ sở kinh doanh hàng đặc sản Quảng Ngãi Hoàng Yến, với sản phẩm đường phổi, đường phèn chế biến từ mía đường Quảng Ngãi
Có nhà máy nên những "ông" che, chiếc chảo để nấu đường, những bát nước chè hai, tô đường dẻo... lùi dần vào ký ức. Mùa thu hoạch mía, không còn cảnh đến đầu làng đã nghe hương mía thơm lừng, thay vào đó là cảnh nhà nhà đốn mía chất thành đống cao bên vệ đường, chờ đội xe của nhà máy đến chở đi.
Đáp ứng cho nghề trồng mía, Tổng Công ty Đường Quảng Ngãi cũng đã nhập các giống mía mới về nhân giống ở vùng Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành), xây dựng những cánh đồng thâm canh mía ở Phổ Nhơn (thị xã Đức Phổ), Đức Phú (huyện Mộ Đức).
Thế nhưng, khi ngành mía đường vươn vai thành ngành công nghiệp chế biến thì bộc lộ nhược điểm là ruộng đồng Quảng Ngãi manh mún, việc thâm canh chưa được chú trọng nhiều, nên năng suất mía đạt thấp, bình quân chỉ khoảng 55-60 tấn/ha. Trong khi đó, đường nhập khẩu cạnh tranh gay gắt, dẫn đến người trồng mía không có lãi hoặc lãi không nhiều. Một số vùng ven sông trong tỉnh, nông dân chuyển sang trồng mì để bán cho nhà máy chế biến tinh bột mì Quảng Ngãi. Nhiều người cho đó là cuộc chiến mía - mì. Nhưng thời cuộc thế nào thì doanh nghiệp và nông dân vẫn phải luôn đi tìm hướng có lợi trong sản xuất - kinh doanh.
Thế rồi, chuyện gì đến cũng đã đến. Tổng Công ty Đường Quảng Ngãi điều chỉnh hướng kinh doanh, chuyển dần từng nhà máy lên An Khê (tỉnh Kon Tum), nên diện tích mía ngày càng thu hẹp.
Cánh nông dân không còn sớm sớm uống nước chè, kháo nhau về chuyện năng suất mía hay việc kiểm tra trữ đường của nhà máy để xác định giá tiền của từng tấn mía. Câu hát: "Gió, gió lên đi cho tôi nghe tiếng lá mía reo, lá mía reo. Tiếng reo êm đềm càng nghe càng xao xuyến…" trong ca khúc "Về lại sông Trà" của nhạc sĩ Vĩnh An; hay câu hát "Đồng mía năm xưa theo quân kháng chiến/ Đồng mía bây giờ nuôi cả quê hương" trong ca khúc "Hát về cây mía quê em" của nhạc sĩ Lê Điền Sơn nhiều năm công tác ở Công ty Đường Quảng Ngãi, bỗng trở thành nỗi xót xa không biết tự khi nào.
Tự làm nên thương hiệu
Nhưng lạ là ở vùng Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn), cây mía vẫn vươn lên và tăng dần về diện tích - bà con nông dân ở đây cho hay.
Một trong những người phục hồi cây mía ở xứ này là anh Nguyễn Thanh, còn gọi là anh Thanh Yến. Anh làm nghề bán buôn, đi nhiều nơi, thấy trong Nam họ trồng giống mía K 84-200. Giống mía này có đặc điểm thân màu vàng nhạt, chịu hạn, chịu phèn, ít ngã đổ và nước mía rất thanh, nên đem về trồng để ăn tươi.
Thấy mía ngon nên những chủ xe ép mía ở nhiều nơi trong tỉnh tìm đến hỏi mua, về ép lấy nước, bán cho người đi đường giải khát trong những ngày nắng hạ. Bà con nơi đây thấy nhu cầu của người tiêu dùng càng lớn nên cùng nhau khôi phục nghề trồng mía. Để cho dễ gọi tên, hơn nữa mía trồng ra chủ yếu để ép lấy nước bán giải khát, bà con nơi đây cải biến tên giống mía này thành "mía nước".
Từ mía đường, người xứ Quảng chế biến kẹo gương, đường phèn là sản phẩm quà tặng của xứ Quảng
Ông Bùi Tấn Lực (67 tuổi; ở xóm 3, thôn Liêm Quang) nói: "Trồng mía ngày xưa để ép thủ công hay bán cho nhà máy thường lưu gốc từ một đến 3 năm. Nhưng giờ trồng mía nước thì chỉ năm một, rồi phá gốc cho cây mía lớn nhanh, vỏ mềm, mỗi bụi chỉ cho nảy mầm chừng 4 cây thì mía mới sung, mới lớn".
Một sào Trung Bộ (500 m2) thu được từ 3-5 tấn mía cây. Đầu mùa thu hoạch, bán gọn cho tư thương giá 3 triệu đồng/tấn, khi mía khan thì được 4 triệu đồng/tấn. Tính ra, ở đất Bình Tân Phú, trồng mía lãi hơn so với trồng nhiều loại cây khác.
Ông Dương Đồng Mộ là một trong nhiều tư thương chuyên mua cây mía nước ở Bình Tân Phú, hiện ngụ ở phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi. Ông Mộ nói với tôi: "Tôi mua mía ở Bình Tân Phú đã lâu. Tính bình quân mỗi ngày mua 2 tấn mía cây, đem bỏ cho các mối ép mía giải khát trong tỉnh. Bà con bán mía đám thì mình cân nhắc mua, rồi thuê người đốn chặt. Còn khi bà con tự đốn chặt thì mình cũng mua, cộng thêm tiền công".
Mía nước Bình Tân Phú tự nó làm nên thương hiệu, rồi không những chiếm lĩnh thị trường Quảng Ngãi mà còn vươn ra tận Quảng Nam.
Song, trồng mía không chỉ là để kiếm lãi. Ông Phạm Đào - 75 tuổi, ở thôn Liêm Quang - bộc bạch: "Chú biết không, thời chống Mỹ, nơi đây là vùng chiến trường địch đánh phá ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ trồng mía mà bà con vượt qua những tháng năm hậu chiến khó khăn, nên mọi người càng mến yêu cây mía. Nghề trồng mía như nhiều nghề khác, đều có thăng có trầm. Một khi đã giữ được và phát triển như bây giờ thì quý biết bao".
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc cho hay diện tích trồng mía ở xã hiện có trên 55 ha và đang được người dân mở rộng diện tích. Địa phương cũng đã liên hệ với một số nơi tìm kiếm những giống mía mới chất lượng nước tốt, cho năng suất cao, để đáp ứng nhu cầu trồng mía ở địa phương.
Lưu giữ nghề xưa
Quảng Ngãi xưa là xứ mía đường. Đường Quảng Ngãi không chỉ tiêu thụ trong cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng rồi nghề trồng mía, chế biến đường lắm thăng trầm nên hầu như các vùng trong tỉnh giờ chỉ còn là hoài niệm. Duy ở xã Bình Tân Phú cây mía vẫn được duy trì.
Người trồng mía ở đây quan niệm không chỉ để có thu nhập phục vụ cuộc sống mà còn để lưu giữ nghề xưa mà nhiều đời cha ông mình gắn bó.
Bình luận (0)