Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các ĐB tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho biết từ trước khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân đến nay, rất nhiều ý kiến ĐBQH cũng như cử tri quan tâm về việc cần thiết xác định các phương pháp xác định giá đất trong luật. Tuy nhiên, các bản dự thảo từ trước đến giờ đều chỉ đề cập một câu là về phương pháp định giá đất, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Để dự án luật mang tính hiệu lực cao, ĐB này đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và trường hợp áp dụng trong luật đối với các nội dung cụ thể và cách tính thì mới giao Chính phủ quy định.
Theo ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), Phó trưởng Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH, về cơ bản, bà đồng tình với nguyên tắc căn cứ phương pháp định giá đất được quy định ở điều 154, song vẫn còn một số băn khoăn. Nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể chính xác, bảo đảm nguyên tắc xác định giá đất theo thị trường.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) tham gia thảo luận
Giải trình vấn đề liên quan tài chính và định giá đất, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là nguyên nhân của các nguyên nhân. Nếu giải quyết được điều này thì sẽ giải quyết được hết các vấn đề về đất đai, quản lý, khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng cho rằng việc định giá đất theo cơ chế thị trường là nguyên tắc, mục tiêu chúng ta phải theo. Còn thế nào là sát, thế nào là đúng thì chỉ khi bán, mua, đấu giá mới có, bởi vấn đề định giá đất không phải lúc nào cũng làm được. Trên thực tế, giá giao dịch, đấu giá đất đai sơ cấp thì được coi là giá thị trường, chỉ có giao đất thì không phải là giá thị trường. Do đó, cách làm lần này cũng cần xác định là không tuyệt đối được nhưng phải bảo đảm cơ sở khoa học và phải thu thập được giá đúng.
"Định giá đất để làm sao người dân, doanh nghiệp khi giao dịch là phải trên sàn, bởi trên sàn thì sẽ công khai. Cùng với đó, khi giao dịch, người dân đến đăng ký chuyển quyền ở văn phòng nhưng làm sao để người dân phải đưa ra giá đúng trên hợp đồng" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Còn thế nào là giá thị trường, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu có đầu vào đúng, thu thập được thông qua sàn giao dịch thì chúng ta có dữ liệu. Khi có dữ liệu, trên bản đồ có thể chia được các thửa đất chuẩn, từng thửa đất chuẩn; căn cứ vào đó xây dựng được sơ đồ về giá, có thể tính toán trong từng thửa đất chuẩn.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị nên bổ sung một khoản vào điều 114 dự thảo luật. Đó là quy định về việc giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với "đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các KCN, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao". Có như vậy, theo ĐB này, thì công nhân mới dễ tiếp cận đất đai, ổn định nơi ở, như ông bà ta nói "có an cư mới lạc nghiệp". Khi chủ đầu tư được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì giá thành nhà sẽ giảm và công nhân dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, quy định nhà ở cho công nhân, nhà ở của người lao động nên gắn liền với hạ tầng KCN. Như vậy, hạ tầng KCN ở đây sẽ có nhà ở, trường học cho con em công nhân; có cửa hàng, siêu thị, có dịch vụ y tế và các dịch vụ thiết yếu khác cho người lao động. Có như vậy, công nhân sẽ an tâm lao động sản xuất, năng suất sẽ tăng lên; các doanh nghiệp cũng sẽ không còn canh cánh lo tìm lao động sau mỗi lần nghỉ Tết và nghỉ lễ.
Bình luận (0)