Ngày 10-11, TP Nagasaki (Nhật Bản) chính thức trao tặng mô hình Châu ấn thuyền cho TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Đây là con thuyền được các thương nhân Nagasaki sử dụng để qua lại, buôn bán tại thương cảng Hội An cách đây hơn 400 năm và cũng là con thuyền đã đưa công chúa Ngọc Hoa theo chồng - thương nhân Araki Sotaro - về TP Nagasaki.
Tái hiện đám cưới 400 năm trước
Đám cưới diễn ra cách đây gần 400 năm của công chúa Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Bản Araki Sotaro đã được tái hiện tại lễ trao tặng.
Hòa với tiếng nhạc rộn ràng trong lễ rước dâu, hàng chục thanh niên trai tráng trong trang phục trắng đen mạnh mẽ di chuyển Châu ấn thuyền mô tả cảnh chiếc thuyền lắc lư theo sóng biển từ từ tiến vào cảng.
Trên thuyền, thương nhân Araki Sotaro khăn đóng áo dài truyền thống của chàng rể Việt. Bên cạnh ông, nàng Anio (công chúa Ngọc Hoa) dịu dàng, nết na và sang trọng trong tà áo dài đỏ với những họa tiết không quá cầu kỳ. Hai người trò chuyện, nói cười với nhau. Thương nhân Araki Sotaro chỉ cho vợ xem phong cảnh Nagasaki bằng ống nhòm... Những hình ảnh tái hiện bối cảnh lần đầu thương nhân Araki Sotaro đưa nàng Anio về Nagasaki khiến người dân và du khách hết sức hào hứng.
Tái hiện đám cưới gần 400 năm trước của công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro
Nói rõ hơn về Châu ấn thuyền và đám cưới giữa thương nhân Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Tấn Đông ở TP Hội An cho biết đây là loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản đi tới các cảng của Đông Nam Á trong thời Mạc phủ Tokugawa nửa đầu thế kỷ XVII. Hơn 400 năm trước, Hội An là thương cảng sầm uất ở xứ Đàng Trong. Nơi đây, thuyền buôn của nhiều nước đến trao đổi hàng hóa, trong đó có thương thuyền của thương nhân Araki Sotaro.
Araki Sotaro là một võ sĩ Samurai. Năm Thiên Chính thứ 16 (tức năm 1588), ông tới Nagasaki và bắt đầu nghề buôn bán bằng thuyền. Chẳng mấy chốc, ông tạo cho mình một dinh cơ nguy nga và trở thành một thương gia lớn. Từ đầu thế kỷ XVII, Araki Sotaro là thủ lĩnh các doanh nhân xứ Phù Tang sang làm ăn buôn bán nhiều năm tại Hội An.
Trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán, Araki Sotaro được chúa Nguyễn Phúc Nguyên có cảm tình và giao nhiều trọng trách tại Hội An. Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối - chức quan trung thành. Chính vì thế, ông dễ dàng đặt mối quan hệ thân tình với triều đình nhà Nguyễn. Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công chúa Ngọc Hoa cho Araki Sotaro.
Di sản công chúa Ngọc Hoa
Năm 1620, tại thương cảng Hội An, nàng Ngọc Hoa theo chồng về sống ở Nhật Bản. Sách sử ghi khi cùng chồng ngồi trên Châu ấn thuyền trở về Nagasaki, mắt Ngọc Hoa rướm lệ, luôn quay nhìn quê hương Việt Nam. Khi làm dâu ở Nhật, nàng được mọi người yêu mến bởi đức tính và phẩm giá đoan chính. Nàng được gọi với cái tên thân mật là Anio. Theo các nhà sử học Nhật Bản, công chúa Ngọc Hoa là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nhật Bản.
Chiếc Châu ấn thuyền TP Nagasaki vừa tặng cho TP Hội An
Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật cho rằng công chúa Ngọc Hoa đã có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa và giao thương ở Nagasaki. Hiện nay, trong văn hóa ẩm thực của vùng Nagasaki vẫn còn thể hiện rất rõ ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam qua sự truyền dạy của Ngọc Hoa. Đó là việc bày thức ăn trên một bàn ăn hình tròn màu đỏ, đường kính khoảng 1 m, cao khoảng 30 cm, đây là điểm khác biệt rất lớn với văn hóa Nhật Bản bởi người Nhật thường dùng bàn ăn hình chữ nhật và sơn màu nâu đen. Ngoài ra, người Nhật trong các bữa cơm trưa thường ăn theo suất, mỗi người một khay với các đĩa nhỏ nhưng hiện đa phần người dân vùng Nagasaki ăn theo kiểu người Việt, thức ăn bày trong các đĩa lớn để mọi người tự chọn món mình yêu thích.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho biết theo truyền tụng, công chúa Ngọc Hoa đã dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật Bản, có công chẩn tế, xây chùa Phật... Ngoài ra, khi chồng mất, bà hỗ trợ rất nhiều cho các thương nhân buôn bán tại vùng Nagasaki, thúc đẩy mối quan hệ với triều đình nhà Nguyễn và làm sổ sách kế toán. Khi bà mất, việc giao thương buôn bán đã gián đoạn một thời gian dài.
Công chúa Ngọc Hoa mất năm 1645, sau chồng 10 năm, an táng tại Đại Âm tự ngay trung tâm Nagasaki. Hằng năm, vào mùa thu, người dân TP Nagasaki tổ chức lễ hội mang tên Nagasaki Kunchi như để tưởng nhớ công chúa Ngọc Hoa. Lễ hội này được xem là tài sản văn hóa dân tộc có tầm quan trọng ở Nhật. Tại Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki hiện vẫn trưng bày gương soi của công chúa Ngọc Hoa. Chính công chúa Ngọc Hoa đã tạo nên một di sản kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại. Trong đó, chiếc Châu ấn thuyền là phương tiện chuyên chở tình hữu nghị này.
Khai trương Không gian văn hóa Việt - Nhật
Hôm nay (11-11), mô hình Châu ấn thuyền được trưng bày sau khi diễn ra lễ khai trương Không gian văn hóa hữu nghị Việt - Nhật tại TP Hội An. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, cho biết mô hình Châu ấn thuyền đã được phục chế và trưng bày tại Bảo tàng Nagasaki từ nhiều năm qua. Mới đây, TP Nagasaki quyết định tặng mô hình này cho TP Hội An. Con thuyền này dài 11 m; rộng 2,8 m; cao 3 m (chiều cao buồm 6,5 m). Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã cử một nhóm thợ sang Nagasaki học cách điều khiển, lắp ráp, bảo quản. Ngày 20-10, mô hình Châu ấn thuyền cập cảng Đà Nẵng sau khi được phía Nagasaki gửi bằng đường thủy một tháng trước đó.
Bình luận (0)