Điều 74 Luật Công chứng đã quy định: Đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Riêng cá nhân ngoài bị các hình thức xử lý trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 và Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14-8-2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 110, quy định: Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng; Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào.
Với thông báo phát đi của Sở Tư pháp TP HCM, những văn bản, hợp đồng của văn phòng công chứng này nếu đem đi giao dịch với cá nhân, tổ chức sẽ không thể thực hiện được và bị cho là vô hiệu. Nhưng với những văn bản đã được giao dịch trước đó trót lọt mà chưa bị phát hiện thì giải quyết thế nào? Ai chịu trách nhiệm về hậu quả này? Chính quyền địa phương khó thể vô can bởi lẽ pháp luật đã giao cho các cơ quan này quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của văn phòng công chứng trên địa bàn nơi đặt trụ sở. Nếu chính quyền địa phương thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm thì không có chuyện "con voi chui qua lỗ kim" một cách công khai và để lại hậu quả nặng nề như vậy.
Theo điều 25 Luật Công chứng năm 2014, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, UBND xã, phường, thị trấn nơi văn phòng công chứng đặt trụ sở. Như vậy, theo quy định, một khi có văn phòng công chứng tổ chức hoạt động trên địa bàn thì UBND các cấp nơi văn phòng đó hoạt động phải nhận được thông báo từ Sở Tư pháp. Nếu không có thông báo của Sở Tư pháp về việc cấp phép cho văn phòng công chứng hoạt động trên địa bàn thì các cơ quan này phải kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Tư pháp để kiểm tra, làm rõ tính hợp pháp của việc hành nghề công chứng của văn phòng công chứng và công chứng viên.
Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu đóng ở phường Hiệp Phú, quận 9 nhưng cả UBND phường và UBND quận, công an, cơ quan thuế không phát hiện đây là tổ chức công chứng giả là điều rất lạ lùng. Hình ảnh báo chí đăng tải cho thấy Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu có trụ sở rất hoành tráng, hoạt động rầm rộ. Lẽ nào chính quyền địa phương không hay biết hay có biết mà lơ là, thiếu trách nhiệm?
Dù là cơ quan phát hiện ra hoạt động bất hợp pháp của Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu nhưng Sở Tư pháp TP HCM cũng phải có trách nhiệm một phần trong vụ việc này. Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động hành nghề công chứng của Sở Tư pháp ra sao mà để cho văn phòng này ký đến 600 hợp đồng, văn bản công chứng?
Hiện nay, Công an quận 9 đã vào cuộc điều tra, làm rõ những dấu hiệu hình sự đối với hoạt động bất hợp pháp của Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu và người giả mạo công chứng viên. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, UBND TP HCM cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhằm tránh tái diễn tình trạng này.
Bình luận (0)