Nạn nhân Trần Đình Minh (SN 1988; ngụ xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được các thợ lặn tìm thấy thi thể vào chiều 15-2 tại khe La Ma, thượng nguồn lòng hồ thủy lợi Tả Trạch ở thôn Phú Mậu, xã Hương Phú.
Thuyền cao su, các thiết bị lặn và người "nhái" điều đến hiện trường và chỉ 30 phút sau đã tìm thấy thi thể nạn nhân đầu tiên
Đây là nạn nhân cuối cùng trong 3 người xấu số tại vụ chìm đò ở khu vực này vào sáng 15-2 đã được lực lượng chức năng tìm thấy. Trước đó, thi thể vợ chồng ông Lê Hói (SN 1969) và bà Huỳnh Thị Lý (SN 1967) cũng đã được những thợ lặn tìm thấy ở khu vực chiếc đò bị chìm. Hiện chính quyền địa phương đang giúp đỡ gia đình các nạn nhân lo hậu sự.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và đại diện Ban ATGT tỉnh này đã đến thăm, chia buồn với gia đình các nạn nhân và chỉ đạo công tác điều tra. UBND huyện Nam Đông đã trích ngân sách hỗ trợ 5,4 triệu đồng cho mỗi trường hợp bị chết theo chế độ mai táng phí để gia đình các nạn nhân lo hậu sự.
Vị trí xảy ra vụ chìm ghe. Kể từ khi hồ Tả Trạch tích nước, nhiều diện tích rừng của người dân ở Nam Đông bị cô lập, họ muốn vào rừng phải dùng ghe vượt sông suối
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, khẳng định nguyên nhân ban đầu được cơ quan công an xác nhận đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy do chìm đò, các nạn nhân tử vong vì đuối nước.
Trước đó, vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng cùng ngày, 3 người này cùng với 9 người khác là 6 cặp vợ chồng, gồm 5 cặp trú ở xã Hương Phú và một cặp vợ chồng trú tại thị trấn Khe Tre (Nam Đông) lên chiếc đò có gắn động cơ đẩy để vượt khe La Ma để vào rừng khai thác keo tràm thuê.
Khi chiếc đò vừa đi ra giữa dòng và di chuyển theo lưu vực khe chừng 50 m thì bất ngờ mũi ghe bị quay đầu, chồng chềnh, ngập nước và bị chìm. Những người này, trong đó có nhiều người không biết bơi đã tự cứu nhau. Tuy nhiên, do khu vực này nước sâu hơn 10 m nên 3 người trên mất tích, 9 người trong đó có vợ ông Minh sống sót, một số người phải nhập viện ngay sau đó nhưng hiện sức khỏe đã hồi phục.
Thiết bị lặn phải chuyển từ xe chuyên dụng sang xe tải của người dân mới có thể vào hiện trường
Nhận được thông tin. chính quyền địa phương đã điều lực lượng đến cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm thi thể những người mất tích nhưng do nước sâu, không thể lặn xuống đáy. Đến trưa cùng ngày, các thợ lặn cùng phương tiện, lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được điều tới và tìm được thi thể của những người trên.
Đường vào hiện trường qua các khe suối, men theo đường mòn len lỏi giữa rừng cao su
Hiện trường vụ tai nạn nằm cách khu vực trung tâm thôn Phú Mậu chừng 5 km và phải đi bằng lối mòn băng rừng cao su. Phương tiện chuyên dụng của lực lượng cứu hộ không thể di chuyển qua nên phải sử dụng xe ôtô tải gầm cao của người dân mới chở được thuyền cao su cùng các dụng cụ lặn và lực lượng đến hiện trường.
Khu vực xảy ra vụ ghe chở 12 người bị chìm
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết kể từ khi thủy lợi Tả Trạch tích nước có rất nhiều diện tích rừng sản xuất (keo tràm) của người dân bị cô lập. Người dân muốn vào rừng phải di chuyển bằng đò vượt lòng hồ. Những người này đều cùng một nhóm gắn bó với nhau từ lâu nay để làm nghề khai thác keo tràm thuê.
Bình luận (0)