Liên quan đến vụ "hỗn chiến" tại cảng biển An Thới, TP Phú Quốc, ngày 27-4, đại tá Lê Văn Quý, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã ký thông cáo báo chí, thông tin sơ bộ sự việc.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Kiên Giang, vào khoảng 16 giờ ngày 26-4, tại khu vực cảng biển An Thới xảy ra vụ việc xô xát, đánh nhau giữa lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới với các hộ dân kinh doanh tại khu vực cảng.
Cảng biển An Thới
Bước đầu xác định, Liên doanh Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới của Cục Hàng hải Việt Nam trong thời hạn 41 năm, với giá thuê 952 tỉ đồng.
Liên doanh Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste đã ủy quyền cho Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới khai thác kinh doanh cảng biển An Thới.
Cảnh hỗn chiến chiều 26-4 tại cảng biển An Thới (cắt từ clip)
Theo hợp đồng, ngày 27-4-2023, Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới tiến hành tiếp quản mặt bằng. Công ty đã thuê lực lượng bảo vệ của Công ty bảo vệ Lucky (khu phố 7, phường Dương Đông, TP Phú Quốc) để làm nhiệm vụ bảo vệ tại cảng biển.
"Khi tiếp quản thì đã xảy ra mâu thuẫn giữa lực lượng bảo vệ của Công ty với các hộ dân kinh doanh khu vực cảng biển dẫn đến xô xát, đánh nhau làm 3 người bị thương. Công an TP Phú Quốc đã kịp thời có mặt, mời ngay 17 đối tượng có liên quan để điều tra xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Hiện tại, tình hình ở khu vực ở cảng biển An Thới đã cơ bản ổn định"- thông cáo báo chí nêu.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, lúc 16 giờ 15 phút ngày 26-4-2023, tại cảng biển An Thới xảy ra cuộc hỗn chiến kinh hoàng giữa người dân địa phương với nhóm người của Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới làm khoảng 10 người dân bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng phải nhập viện.
Nơi xảy ra vụ hỗn chiến giữa nhóm bảo vệ của Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới và người dân địa phương
Nguyên nhân dẫn đến cuộc xô xát đổ máu giữa nhóm bảo vệ công ty được cho là xuất phát từ việc hàng trăm người dân không đồng tình với cách tính giá cho thuê mới của Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới.
Cụ thể, trước đây, những hộ kinh doanh ở đây được thuê với giá 500.000 đồng/tháng, nhưng khi Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới tiếp quản cảng đã nâng giá cho thuê lên tới 60 triệu đồng/tháng và phải đóng trước 3 tháng là 180 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty quy định xuồng đưa rước khách tại cảng phải nộp 2,5 triệu đồng/tháng; ca nô từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng; khách du lịch xuống cảng 35.000 đồng/1 lượt người (trước đây không thu phí).
Cảng biển An Thới là nơi mưu sinh của nhiều hộ dân
Trong khi đó, phía Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới đính chính rằng chỉ cho thuê nguyên dãy 10 căn với giá 60 triệu đồng, tức mỗi căn là 6 triệu đồng, gấp 12 lần giá cũ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trước khi cuộc xô xát xảy ra, ông Lâm Quang Duy – Giám đốc Công ty TNHH cảng quốc tế NAMAS An Thới – đã liên hệ Công an phường An Thới xin hỗ trợ lực lượng đảm bảo an ninh trật tự vì nhận thấy tình hình căng thẳng có thể dẫn đến xô xát.
Sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ phía công ty, lãnh đạo Công an phường An Thới đã cử 1 cán bộ phối hợp cùng 2 bảo vệ dân phố đến nắm tình hình. Khi đến nơi, nhận thấy nhóm bảo vệ hơn 15 người của công ty đang cự cãi với các hộ dân, lực lượng làm nhiệm vụ đã yêu cầu các bên không được gây mất an ninh trật tự, yêu cầu phía công ty tạm ngưng việc di dời các hộ dân cho đến khi có văn bản của cấp có thẩm quyền.
Trong lúc lực lượng làm nhiệm vụ vào trong văn phòng công ty gặp ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó Giám đốc vận hành của công ty để trao đổi thì bên ngoài nhóm bảo vệ của công ty và các hộ thuê "hỗn chiến"
Bình luận (0)