Chiều 13-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết lực lượng công an đang vào cuộc xác minh, làm rõ việc một số giáo viên nói phải "chung chi" mới được ký hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.
Các giáo viên hợp đồng tới UBND huyện xin gặp lãnh đạo để trao đổi
Theo đó, trong những ngày qua, một số giáo viên hợp đồng, người nhà giáo viên hợp đồng trả lời báo chí cho rằng phải "chung chi" từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mới được ký hợp đồng lao động.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 12-3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong việc huyện ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên dẫn đến tình trạng dôi dư như hiện tại. Theo bà Trinh, đến nay UBND huyện chưa nhận được thông tin phản ánh của giáo viên về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định. Ai vi phạm pháp luật cũng phải xử lý, không thể né tránh.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 9-3, UBND huyện Krông Pắk đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 208 giáo viên trong tổng số 578 giáo viên dôi dư tại huyện nay. Trong đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015) ký và chỉ đạo ký khoảng 400 hợp đồng, ông Y Suôn Byă đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký vào chỉ đạo ký khoảng 100 hợp đồng. Sau khi hàng trăm giáo viên phản ứng và nhận được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Pắk đã tạm dừng chấm dứt hợp đồng và tìm phương án giải quyết.
Bình luận (0)