Cán bộ Công chức, viên chức không được nói tiếng địa phương - Ảnh minh họa
TP Hà Nội đang xây dựng Dự thảo về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Theo đó, cán bộ, công chức khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. "Ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Cán bộ, công chức Hà Nội phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ"- dự thảo nêu.
Về dự thảo trên, ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), đơn vị xây dựng dự thảo quy định - cho biết về vấn đề chuyên môn năng lực cán bộ, công chức của TP rất tốt song một số vẫn còn bộc lộ những bất cập trong kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, từ đó dẫn đến những vụ việc không đáng có xảy ra thời gian vừa qua.
Theo ông Nam Dự thảo ra đời mang tính chất khuyến cáo cán bộ, công chức TP hạn chế nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Từ đó giúp thuận tiện trong giao tiếp công việc, hạn chế hiểu lầm khi trao đổi.
Ông Nam cũng cho biết quy định hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương được hiểu là ngôn ngữ công vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính khuyến cáo, nên trong tuyển dụng cán bộ, công chức không áp dụng để hạn chế cơ hội của các thí sinh.
TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho biết dự thảo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quy định công chức cán bộ không nói ngọng, nói lắp xuất phát từ thiện chí rất tốt. Tuy nhiên, để thực hiện việc này là rất khó, bởi vì còn liên quan đến ngay từ khâu tuyển dụng, ngoài ra còn phụ thuộc vào giáo dục khi còn trong trường học.
Theo TS Bình, quy định ở dự thảo trên mới chỉ khuyến cáo cho công chức, viên chức thực hiện chứ không phải bắt buộc. Nếu bắt buộc là rất khó, bởi không thể lấy chuẩn đầu vào. Có nhiều công chức, viên chức đang làm tốt công việc của mình, chỉ vì nói ngọng mà mất việc thì không thỏa đáng. "Muốn thực hiện tốt việc này, Sở VH-TT cần tính toán đến phương thức, giải pháp các chế định đảm bảo trong thực tiễn"- TS Bình nói
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong ngôn ngữ giao tiếp là truyền tải thông tin nên nếu sử dụng ngôn từ khác biệt, khó nghe sẽ là một trong những yếu tố làm hạn chế năng lực của mỗi người. "Chúng ta cần phải có chuẩn chung như vậy để cán bộ, công chức không tùy tiện trong phát ngôn, còn nói ngọng là điều chúng ta phải giải quyết từ khi còn trong trường học"- ông Dương Trung Quốc nói.
Bình luận (0)