Theo Bộ Y tế, Cổng Công khai giá dịch vụ của ngành y tế tại địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn được mở nhằm minh bạch thông tin giá thuốc, chi phí dịch vụ khám chữa bệnh và giá thiết bị y tế để góp phần ngăn chặn "thổi giá". Tại đây, cơ quan quản lý công khai gần 3.000 mặt hàng giá thuốc bán lẻ trên thị trường. Theo lộ trình từ nay đến hết quý I/2021, Bộ Y tế sẽ công khai toàn bộ thuốc bán lẻ của cơ sở lên hệ thống.
Hầu hết cao hơn giá công khai
Việt Nam hiện có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc tây trên toàn quốc. Với quá nhiều mức giá thuốc khác nhau, người dân chẳng thể nào biết được giá trị thực của loại thuốc mà họ mua sử dụng.
Một nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa .Ảnh: THANH TUẤN
Bà Nguyễn Thu Hiền (ngụ đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết bà bị bệnh tiểu đường và cao huyết áp 5 năm qua. Dù đăng ký khám bệnh diện thẻ BHYT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và được cấp thuốc BHYT nhưng có một số loại thuốc bà Hiền vẫn phải ra ngoài mua để sử dụng.
Theo bà Hiền, với nhiều năm kinh nghiệm mua thuốc tim mạch và huyết áp ở ngoài bằng tiền cá nhân, bà đã tìm được 1-2 cửa hàng bán có giá "mềm" hơn cả. Thế nhưng, để có thể biết được giá trị thực của loại thuốc mà bà đang sử dụng là điều không thể, vì cũng không biết so sánh giá ở đâu.
Khi được phóng viên chia sẻ về Cổng Công khai y tế với hàng ngàn loại thuốc bán lẻ được công khai giá, bà Hiền tự nhận bà chẳng biết đường nào mà tra cứu giá, mà nếu tra cứu thì cũng không biết mua ở đâu để được giá thấp nhất.
Theo khảo sát của phóng viên, thuốc trị tiểu đường Januvia 100 mg được các đơn vị nhập khẩu kê khai giá bán lẻ là 17.311 đồng/viên, trong khi tại một hiệu thuốc trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bán với giá 18.000 đồng/viên, còn một hiệu thuốc ở đường Bạch Mai thì bán với giá 18.600 đồng/viên. Thuốc Cozaar XQ viên nén 5 mg/100 mg được kê khai từ 10.500-11.500 đồng/viên, trong khi giá trên thị trường bán lẻ dao động từ 12.400-13.500 đồng/viên. Thuốc tim mạch Procoralan 7.5 mg được kê khai giá 11.102 đồng/viên, trong khi giá bán lẻ phổ biến là 12.000-12.200 đồng/viên. Thuốc Vastarel MR kê khai giá từ 1.792-2.793 đồng/viên, ngoài thị trường có giá 3.000-3.200 đồng/viên.
Cũng tương tự như thế, thuốc Glucophage 500 mg được kê khai giá từ 1.241-1.596 đồng/viên, trong khi giá bán lẻ tại nhà thuốc là 1.800-1.900 đồng/viên, cao hơn nhiều so với giá kê khai... Thuốc huyết áp Exforge hàm lượng 5/80 mg; 10/160 mg và HCT 5 mg/160 giá kê khai 14.700/19.372 đồng và giá kê khai cao nhất là 24.812 đồng/viên, trong khi giá bán lẻ tại một nhà thuốc là 11.000/19.000 đồng và 22.000 đồng, tức lúc cao lúc thấp hơn giá kê khai.
Thuốc điều trị dạ dày Nexium Mups kê khai giá từ 22.456- 24.702 đồng/viên trong khi bán lẻ là 25.000-25.900 đồng/viên. Thuốc Gastropulgite kê khai giá 2.500-3.300 đồng/gói, còn giá bán lẻ tại nhà thuốc là 3.300-3.600 đồng. Thuốc giảm đau Artrodar kê khai giá từ 10.700-12.500 đồng/viên, trong khi giá bán lẻ tại nhà thuốc là 13.000-13.500 đồng/viên.
Thiếu "thước đo" về giá
Chị Nguyễn Thu Hải, một nhân viên nhà thuốc ở quận Hoàn Kiếm, cho biết so với giá bán tại nhà thuốc thì nhiều loại thuốc có giá bán lẻ được kê khai trên mạng còn thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, theo chị Hải, đây hầu hết là giá kê khai của đơn vị nhập khẩu. Khi các cửa hàng nhập về bán, họ cũng phải có lãi. Còn với những thuốc được các nhà thuốc kê khai, giá cũng gần tương đương nhau, trừ một số quầy thuốc thuộc các bệnh viện tư nhân, bệnh viện quốc tế có giá cao hơn hẳn.
Anh Nguyễn Văn Nam (41 tuổi; ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết do bị bệnh dạ dày nên anh thường xuyên phải sử dụng thuốc Nexium. "Giá bán phổ biến của loại thuốc này là 25.000 đồng/viên, tương đương 700.000 đồng/hộp 28 viên, trong khi giá kê khai bán lẻ cao nhất của loại thuốc này trên hệ thống là 24.702 đồng. Tuy nhiên, để tìm kiếm cơ sở nào bán thuốc giá rẻ hơn để đến mua thì không tìm được mà hệ thống chỉ công khai đơn vị nhập khẩu. Tôi thắc mắc với nhân viên bán hàng thì nhận được câu trả lời "đấy là giá công ty, nhà thuốc nhập về giá cũng lên tới 680.000 đồng/hộp rồi, cộng thêm đủ thứ phí, nhà thuốc chỉ lãi 5.000-6.000 đồng/hộp mà thôi" - anh Nam chia sẻ.
Từng có thâm niên hơn 20 năm kinh doanh lĩnh vực dược phẩm, chị Nguyễn Thu Hải cho biết thêm: "Có nhiều người thắc mắc giá thuốc niêm yết và giá trị thật của thuốc thế nào? Hiện nay, thuốc khi nhập về Việt Nam sẽ phải kê khai giá thuốc nhập khẩu thực tế tại cảng. Đơn vị cũng phải đưa ra giá bán buôn dự kiến và giá bán lẻ dự kiến. Vì thế, có những loại thuốc khi nhập về, một hộp phải bỏ vốn tới 300.000-400.000 đồng, nhà thuốc chỉ lãi 5.000 đồng/hộp".
Biết đâu mà tra cứu!
Đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là nơi tập trung rất nhiều cửa hàng bán thuốc tây. Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy giá thuốc vẫn bán mỗi nơi một kiểu và thường cao hơn giá thuốc đã được công khai tại Cổng Công khai giá dịch vụ của ngành y tế.
Cụ thể, giá một loại thuốc thông dụng là Efferalgan 500 mg có tác dụng giảm đau, hạ sốt dạng sủi được công khai giá bán lẻ là 2.026 đồng/viên, song nhà thuốc C.H.A trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn bán giá 20.000 đồng/vỉ 4 viên, cao gấp đôi giá công khai. Nhà thuốc số 232 Trần Phú (TP Thanh Hóa) cũng bán với giá tương tự. Vậy nhưng, chỉ cách nhà thuốc số 232 Trần Phú một bức tường, nhà thuốc Long Hiền bán giá 11.000 đồng/vỉ 4 viên, tức là 2.750 đồng/viên (vẫn cao hơn giá công khai). Thuốc giảm đau Panadol 500 mg dạng viên sủi, hầu hết các cửa hàng đều bán với giá 5.000 đồng/viên, trong khi giá niêm yết thường không tới 3.000 đồng. Happacol 250 (dạng bột; giảm đau, hạ sốt cho trẻ) được công khai giá bán lẻ là 2.468 đồng/gói nhưng ngoài thị trường thì mỗi cửa hàng bán một giá. Đơn cử, một hiệu thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông bán với giá 2.500 đồng/gói, trong khi một tiệm ở chợ Nam Thành bán tới 3.000 đồng/gói.
Đáng chú ý, một số người dân khi được hỏi trước khi mua thuốc có tham khảo giá hay không thì họ đều rất mơ hồ. Anh Nguyễn Ngọc Giang (ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bảo: "Bác sĩ kê đơn xong thì mình ra hiệu thuốc mua. Họ nói hết bao nhiêu tiền thì mình trả bấy nhiêu thôi, cũng chẳng hỏi giá bao giờ". Bà Hoàng Thị Tòng (ngụ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho hay qua truyền hình, bà biết việc công khai giá thuốc nhưng do ít học, chỉ dùng điện thoại "cùi bắp" nên chẳng biết tra cứu ở đâu để biết giá thuốc. "Chẳng phải mình tôi mà hầu hết người dân nghèo như tôi đều rất mơ hồ về giá thuốc. Người bán nói bao nhiêu thì mình trả như vậy. Khi bệnh thì có ai mặc cả giá thuốc bao giờ đâu" - bà Tòng tâm tư.
Tại TP Hải Phòng, nhiều cửa hàng mua bán tân dược lớn đều bán thuốc với giá cao hơn nhiều so với giá công khai trên congkhaiyte.moh.gov.vn. Ở khu vực "chợ thuốc" tại đường Cát Dài (đối diện cổng Bệnh viện Việt - Tiệp), trong khi thuốc Efferalgan Codein giá bán tại nhà thuốc Bệnh viện Việt - Tiệp chỉ 2.000 đồng/viên (phải có đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh) thì các nhà thuốc ở bên ngoài (đối diện cổng bệnh viện) bán gấp 5 lần (10.000 đồng/viên). Thuốc Plavix 75 mg giá bán ở nhà thuốc bệnh viện là 18.943 đồng/viên, trong khi bên ngoài là 22.000-23.000 đồng; Amlor 5 mg (caps) giá nhà thuốc bệnh viện 8.125 đồng/viên, nhà thuốc đối diện bệnh viện là 14.000-15.000 đồng; Augmentin 1g giá bán tại nhà thuốc bệnh viện 17.848 đồng/gói, nhà thuốc bên ngoài bán 22.000 đồng; Zinnat 500 mg giá của nhà thuốc bệnh viện 23.679 đồng/viên, nhà thuốc bên ngoài bán 25.000 đồng.
(Còn tiếp)
Còn nặng về hình thức
Dù được đánh giá là "cuộc cách mạng" của ngành y tế song nhiều ý kiến cũng cho rằng việc công khai thực chất vẫn là hình thức. Bởi với gần 3.000 loại thuốc được công khai trên thì đều được kê theo tên chung quốc tế, trong khi việc kê đơn thuốc ở nhiều nơi vẫn theo tên hoạt chất.
Việc kê đơn theo tên hoạt chất nếu áp dụng trong kê đơn điều trị cho bệnh nhân là hợp lý để tránh việc kê đơn tên thương mại do trình dược viên của các hãng "cầm tay" kê đơn. Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng hầu như chỉ biết thuốc đó gọi bằng tên trên bao bì (tên thương mại) chứ không biết tường tận các hoạt chất. Do vậy, kê giá theo hoạt chất thì làm sao bệnh nhân và người nhà của họ nhận biết sản phẩm?
"Chẳng hạn, cùng là hoạt chất Nexium điều trị bệnh dạ dày nhưng với biệt dược gốc thì loại thuốc này được kê khai giá bán lẻ là 25.000 đồng/viên, cũng cùng tên thuốc này trên hệ thống có giá 18.000 đồng - là hàng nhập khẩu song song (thuốc hết thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ). Như vậy, cùng một hộp thuốc giá có thể chênh nhau tới cả trăm ngàn đồng và nếu người dân không hiểu, người bán hàng không giải thích đầy đủ thì sẽ dẫn tới sự hiểu nhầm về giá thuốc" - nhân viên một nhà thuốc phân tích.
Bình luận (0)