Nhìn vào mức lương trên, đó là mơ ước của bao người, kể cả những CEO tên tuổi ở các doanh nghiệp dân doanh, các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Phải chăng những cán bộ này quá tài năng? Hay các doanh nghiệp quá giàu?
Chuyện lương "khủng" đã được các cơ quan chức năng đặt ra nhiều năm trước, kể cả ở Quốc hội. Việc đó hàm chứa những điều khó hiểu và mất công bằng ngay trong chính những doanh nghiệp này nhưng đến nay vẫn chưa có cách xử trí thuyết phục. Với những doanh nghiệp làm ăn thành công, đóng góp lớn cho ngân sách, nâng được đời sống của người lao động thì việc định mức lương cao để động viên, kích thích tinh thần làm việc là thỏa đáng. Trường hợp ngược lại, lãnh đạo doanh nghiệp tự hào phóng ban phát mức lương cho bản thân chẳng khác nào là bòn rút, "ăn" trên đầu người lao động khác.
Không phủ nhận tài năng của lãnh đạo nhiều tập đoàn nhà nước hiện nay nhưng cũng không thể nào chấp nhận nổi số đông lãnh đạo khác cứ kiếm ghế rồi tự trào với bản thân để tư lợi. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (hoặc cổ phần với vốn nhà nước chủ yếu) được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu ái đủ điều, thậm chí giao hẳn khối tài sản khổng lồ về đất đai, nhà xưởng... nhưng làm ăn vẫn trầy trật. Thế nhưng, báo cáo hằng năm thì đủ thành tích, công trạng của lãnh đạo cứ phóng lên, kèm theo đó là thưởng chót vót và hưởng mức thu nhập khó tưởng.
Đáng ngại hơn, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng các lãnh đạo vẫn bình thản hưởng lương "khủng", chi tiêu hoang phí. Đến lúc không cầm cự nổi, những lãnh đạo này có thể được "chuyển công tác", "đề bạt" sang các doanh nghiệp khác và tiền đồ những doanh nghiệp này cũng chắc hẳn không mấy sáng sủa. Người dân vẫn đang "thấm đòn" từ 12 dự án thuộc các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương với khoản lỗ cả ngàn tỉ đồng bao năm qua. Đến nay, phương án cứu các "con cưng" này vẫn mờ mịt và chẳng truy nổi trách nhiệm của từng lãnh đạo doanh nghiệp. Họ cũng đã từng nhận lương thừa mứa trên đống hoang tàn của doanh nghiệp đấy thôi và nay, trách nhiệm được đổ cho tập thể, cho quy trình, cho bao nhiêu lý do không tưởng khác.
Thấy mình tài năng? Cũng không sao! Đủ tự tin thì hãy bước ra khỏi vòng tay bao bọc của "bầu sữa" nhà nước mà lao vào thương trường khốc liệt ở các khu vực kinh tế khác thử xem! Nơi đó cạnh tranh sòng phẳng, tiêu chí đánh giá năng lực rất rõ ràng, hiệu quả kinh doanh được đo đếm cụ thể và đối diện các ông chủ doanh nghiệp thừa nghiêm khắc. Họ sẵn sàng trả lương triệu đô và cũng sẵn sàng đuổi việc khi ai đó lấp liếm năng lực của mình bằng chút tài mọn.
Trả lương cao là việc rất bình thường. Thiếu năng lực nhưng không thiếu tự ái để nhận những đồng lương chẳng tương xứng mới là khác thường. Nhưng chuyện khác thường này cũng đã trở thành bình thường trong nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Bình luận (0)