Đi dọc hàng loạt tuyến đường ở quận 5, TP HCM những ngày này, mọi người sẽ nhìn thấy hàng loạt gốc cây được tạo thành bồn với đủ kiểu khác nhau. Cùng với quá trình chỉnh trang vỉa hè, nhiều cây xanh bị hư tổn do bộ rễ bị xâm hại.
Thích là cắt rễ
Ngày 12-1 vừa qua, một cây phượng vĩ ở trên đường Nguyễn Văn Đừng (phường 6, quận 5, TP HCM) bất ngờ bị đổ. Nguyên nhân là do công nhân đào quanh gốc cây và chặt đứt các rễ nhánh nên cây không đứng vững.
Xí nghiệp Cây xanh số 2 (thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP) đã lập biên bản sự việc. Theo đó, tuyến đường này đang thực hiện dự án hạ âm nền gốc cây, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5. Các công nhân đã đào quanh gốc cây sâu 20 cm, rộng từ 2-3 m và cách gốc cây 1 m. Ngoài ra, 3 cây phượng vĩ và 4 cây viết khác cũng bị đứt rễ. Để bảo đảm an toàn cho người dân, Công ty Công viên cây xanh TP buộc phải đốn hạ 3 cây phượng còn lại. Theo ghi nhận ngày 13-1, cây phượng vĩ trước số nhà 11 đường Nguyễn Văn Đừng đã "biến mất", chỉ còn trơ gốc. Các cây xanh khác đã được tạo khung bằng bê-tông xi măng cao khoảng 50 cm.
Hàng phượng vĩ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5) có nguy cơ không sống nổi do rễ bị cắt trong quá trình thi công vỉa hè
Trước đó, vào tháng 12-2017, hàng loạt cây phượng vĩ trên đường Trần Nhân Tôn (đoạn giao nhau với đường Trần Phú đến Hùng Vương, phường 4, quận 5) cũng bị chặt đứt rễ trong quá trình cải tạo vỉa hè. Vỉa hè đoạn đường này vẫn còn dang dở, gốc cây chưa được tạo thành bồn, nhiều người vứt xà bần chất thành đống quanh gốc cây. Người dân cho biết lúc chưa cải tạo vỉa hè, hàng phượng vĩ này xanh tốt, tạo bóng mát cho người đi đường. Sau khi phát hiện cây xanh bị xâm hại, cơ quan chức năng đã lập biên bản và đề nghị đơn vị thi công không làm hư hại gốc rễ của cây.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường khác như 3 Tháng 2 (quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 5) cũng đang làm lại bồn cho các cây xanh theo nhiều kiểu khác nhau. Đường Trần Hưng Đạo được tháo hết khung vây cho bằng với vỉa hè, lót gạch quanh gốc. Còn các cây xanh trên đường 3 Tháng 2 (quận 10) lại được làm bồn với chiều cao khoảng 30 cm. Trưa 13-1, nhiều công nhân đang đổ bùn, đất trộn phân bón vào các bồn cây này. Nhiều cây xà cừ đưa phần rễ trên mặt vỉa hè khoảng 2 m nên bồn phải dài lên đến gần 4 m, choán hết mặt nhà của người dân.
Cây chết buộc phải bồi thường
Theo thống kê sơ bộ của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP, trong năm 2017 chỉ riêng các quận trung tâm như 1, 3, 5 đã có hàng trăm cây xanh bị tổn thương. Điển hình như đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn thuộc quận 3) trong quá trình cải tạo vỉa hè kết nối liên bồn đào sát gốc cây khiến 64 cây bị ảnh hưởng. Công trình hạ ngầm lưới điện, cáp viễn thông đường Mạc Thị Bưởi, Tôn Thất Hiệp cũng khiến 58 cây bị nổi rễ. Sự việc này khiến một cây lim trên đường Mạc Thị Bưởi bị bật gốc, đè một ô tô vào tháng 7-2017.
Theo đại diện Công ty Công viên cây xanh TP, đa số các vụ cây xanh bị cắt rễ đều được phát hiện trong quá trình đi tuần tra của đơn vị. Do cây xanh bị cắt rễ không chết ngay tức thì nên đến khi phát hiện ra thì công trình đã làm xong. Hiện nay, việc cấp phép đào đường thuộc về các Khu Quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải) và các quận, huyện. Khi phát hiện, đơn vị chỉ lập biên bản sự việc có xác nhận của phường và báo cáo về các chủ đầu tư.
Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, cho biết về nguyên tắc thì việc thi công không được xâm hại đến cây xanh. Do đó, khi cấp phép đào đường cho các công trình ngầm đều tính toán đến hướng tuyến bảo đảm yêu cầu hạn chế thấp nhất đến sự sinh trưởng, phát triển của cây xanh. Tuy nhiên, một số công trình ngầm hiện nay chưa được số hóa nên đến khi thi công ngoài thực địa mới phát hiện ra thì phải dịch chuyển hướng đào sang vị trí mới, có thể sẽ ảnh hưởng đến cây xanh nhưng chỉ là cục bộ, một vài cây chứ ít khi ảnh hưởng đến toàn tuyến. Trong trường hợp cây xanh bị xâm hại đến mức phải đốn hạ thì đơn vị thi công phải bồi thường thiệt hại để đơn vị quản lý trồng mới và chăm sóc.
Tăng nguy cơ gãy đổ
PGS-TS Trần Hợp, nguyên giảng viên Khoa Sinh học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM) cho biết cây xanh đô thị đã bị hạn chế rất nhiều về không gian sinh trưởng, phát triển rất khó khăn. Khi bộ rễ bị cắt đứt sẽ làm cây không thể trao đổi chất như bình thường. Mặt khác, bộ rễ bị tổn thương cũng khiến độ bám vào lòng đất không cân đối, dễ xảy ra tình trạng cây ngã đổ khi gió lớn.
Khi thi công công trình, nếu đụng rễ cây không nên chặt mà phải giữ lại, tìm biện pháp khác. Nếu buộc phải đào thì nhân tiện cắt bớt rễ thối, bón thêm phân để cho cây phát triển bộ rễ mới. Không nên hạ ngầm bồn cây, bởi bộ rễ non đang phát triển, không còn gì bảo vệ sẽ bị chết, cây phát triển chậm.
Bình luận (0)