Ngày 8-10, UBND tỉnh Hà Giang đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng (NN-NH) Panorama sai phạm ở đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Huyện phải chịu trách nhiệm!
UBND tỉnh Hà Giang cho rằng vị trí xây dựng NN-NH Panorama nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pí Lèng (danh thắng Mã Pí Lèng). Tuy nhiên, theo điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pí Lèng. Do đó, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trong ngày 8-10 vẫn hoạt động bình thường
"Về hồ sơ công trình NN-NH Panorama chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng, tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc về UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng. Quan điểm và phương hướng giải quyết của tỉnh là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật" - báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang nêu rõ.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay đối với các vấn đề về xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và mời các chuyên gia giúp đánh giá làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Còn theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, quan điểm của bộ này là dù bất cứ thành phần kinh tế nào, từ hộ gia đình, doanh nghiệp hay nhà nước thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc để tồn tại một công trình sai phép dù ở danh thắng Mã Pí Lèng hay ở đâu trên đất nước, dù nó giúp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, du lịch thì cũng không đồng tình. Công trình sai phạm trên Mã Pí Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ II của danh thắng Mã Pí Lèng nhưng theo Luật Di sản văn hóa, để tránh những tổn hại đến cảnh quan danh thắng, cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL nhưng đến nay, bộ này vẫn chưa nhận được văn bản xin ý kiến của tỉnh Hà Giang.
"Chưa nói tới Luật Di sản văn hóa thì công trình này đã vi phạm Luật Xây dựng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý địa phương. Vì một xã hội tuân thủ luật pháp, hãy góp phần lên tiếng để xử lý tất cả hành vi vi phạm pháp luật nói chung, không chỉ pháp luật về trật tự xây dựng. Phải làm sao có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt danh thắng Mã Pí Lèng trong thời gian tới" - đại diện Bộ VH-TT-DL nói và cho rằng tỉnh Hà Giang có đồng ý cho xây công trình này như một trạm dừng chân ngắm cảnh chứ không phải là "xây trộm". Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã làm sai lệch chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang, cố tình vi phạm pháp luật. Khi sai thì phải nhận thức được cái sai của mình và phải khắc phục, sửa chữa. Không thể vì cá nhân mà bắt xã hội phải gánh.
Cần đánh giá đúng vai trò di sản
Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), sai phạm của công trình ở danh thắng Mã Pí Lèng thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư. Khi công trình mới manh nha xây dựng, chính quyền Hà Giang đã lập đoàn kiểm tra, có kết luận và báo cáo tỉnh nhưng công trình được xây dựng hoàn thiện và đến nay vẫn hoạt động một cách ngang nhiên.
"UBND tỉnh Hà Giang cần chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng nguyên trạng cho khu vực danh thắng Mã Pí Lèng. Lâu nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là tại các công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… ở nhiều địa phương nhưng việc xử lý rất chậm trễ, chưa triệt để, điều đó có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Chính quyền các địa phương cần nhận thức rõ vai trò của di sản và có biện pháp xử lý mạnh tay đủ sức răn đe, để phòng ngừa vi phạm; đồng thời nâng cao công tác quản lý nhà nước để sớm ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự tiếp diễn" - luật sư Tiền nhấn mạnh.
Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, việc xây dựng không phép trong vùng thắng cảnh Mã Pí Lèng cho thấy việc quản lý trật tự xây dựng là chưa tốt. Mục tiêu của phát triển không chỉ tập trung vào kinh tế mà phải chú trọng đến phát triển bền vững, trong đó phải chú trọng tới quản lý, khai thác và bảo vệ di sản.
"Việt Nam đã có Luật Di sản, trong các quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đều đặt ra những vấn đề bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Vấn đề đặt ra là từng địa phương cần sớm nhận diện giá trị di sản ở đâu và phải xây dựng các quy chế, quy định để bảo tồn di sản. Thời gian qua, có địa phương ban hành quy chế quản lý, khai thác, bảo tồn di sản nhưng mới dừng ở mức là công cụ cho cơ quan quản lý mà người dân chưa nắm được. Việc đánh giá, nhận diện được đầy đủ giá trị di sản, trong đó có các công trình xây dựng thì mới có thể xây dựng nghiêm khung pháp lý để quản lý" - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nói và cho rằng thể chế quản lý, khai thác, bảo tồn hiện nay chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp. Đối với các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia, di sản cấp tỉnh, di sản cộng đồng cũng cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Cần phải xem xét, bổ sung các quy định để việc quản lý, bảo tồn được bền vững.
UNESCO khuyến nghị xây điểm dừng chân
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang cũng cho hay danh thắng Mã Pí Lèng trong những năm qua đã được du khách đánh giá là điểm đến hấp dẫn của tỉnh này. Nơi đây có phong cảnh đẹp nhưng cung đường đèo này chưa có điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng.
Tỉnh Hà Giang dẫn báo cáo khảo sát của GS Guy Martini, Tổng Thư ký Ban Điều phối Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, hồi tháng 2-2018, khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pí Lèng (khu vực xây dựng NN-NH Panorama). Sau đó, căn cứ báo cáo khuyến nghị trên, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra và có văn bản chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện xây dựng điểm dừng chân. Yêu cầu hoàn thành trước tháng 7-2018, để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018 (tháng 9-2018).
Bình luận (0)