Ngày 9-4, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá toàn diện mặt được, chưa được của đề án Công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn - Sa Huỳnh để UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Đề án được "vẽ" khí thế...
Đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh được triển khai từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là CVĐC toàn cầu Lý Sơn. Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm đó, nếu được UNESCO công nhận, CVĐC toàn cầu sẽ giúp tỉnh phát triển bền vững, thu hút khách du lịch. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX từng xác định thực hiện đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
Các nhà khoa học khảo sát địa chất tại Lý Sơn để làm hồ sơ trình UNESCO
Đến năm 2017, UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý CVĐC toàn cầu Lý Sơn, từ đó đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia quốc tế tiến hành hàng chục đợt khảo sát với khoảng 160 hành trình khảo sát địa mạo, cảnh quan và địa văn hóa nhằm xác định tổng thể các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về công viên đã được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học tham gia.
Đến năm 2019, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu Lý Sơn đánh giá diện tích công viên và vùng phụ cận quá nhỏ để làm đề án nên đề nghị tỉnh mở rộng lên 4.600 km2, bao gồm nhiều diện tích trên đất liền và đổi tên đề án thành CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Cuối năm 2019, hồ sơ dự thảo về CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO và vượt qua vòng sơ loại. Theo quy định, tổ chức này sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu tại hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO dự kiến ban đầu tổ chức vào tháng 7-2020 tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên việc thẩm định bị hoãn.
Ông Đặng Văn Minh cho biết việc UBND tỉnh đồng ý cho mở rộng diện tích CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là chưa đúng theo tinh thần nghị quyết Đảng bộ lần thứ XIX của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có quyết định chính thức về việc mở rộng diện tích nên dù UBND tỉnh có gửi hồ sơ cho UNESCO thì cũng không đúng quy định.
Nhiều hệ lụy
Cũng theo ông Đặng Văn Minh, trong mấy năm qua, để thực hiện đề án CVĐC, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chi khoảng 22 tỉ đồng. "Tôi cho rằng cần kết thúc đề án vì hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng" - ông Minh nói.
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản (đơn vị tư vấn), cho biết viện đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá tổng thể đề án để UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Đơn vị tư vấn đưa ra nhiều kịch bản, trong đó có kết thúc đề án. Nếu Quảng Ngãi kết thúc đề án sẽ có một số hệ lụy như uy tín bị ảnh hưởng, dư luận xã hội hoài nghi; thiệt hại đáng kể về kinh tế, nhân lực, thời gian… sau khi đã triển khai 5 năm. "Quan điểm của chúng tôi là tỉnh Quảng Ngãi nên cân nhắc việc tiếp tục nộp và vận động để UNESCO công nhận hồ sơ CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh" - PGS-TS Trần Tân Văn nêu.
TS Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nhật Bản), cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay của Quảng Ngãi là việc đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có nguy cơ phá hỏng môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Nếu quyết đưa các khu kinh tế, khu công nghiệp vào CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh thì liệu các dự án không xảy ra sự cố môi trường trong tương lai? Trong khi đó, giá trị cốt lõi của CVĐC toàn cầu là bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị di sản. Nếu UNESCO phát hiện CVĐC bị xâm hại thì sẽ không công nhận hoặc sẽ cắt danh hiệu ngay.
Xung đột với phát triển công nghiệp
Một cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong nhiều cuộc họp bàn về đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh (thời điểm mới triển khai), bản thân ông cùng một số cán bộ, lãnh đạo có ý kiến phản bác, yêu cầu cần phải xem xét, đánh giá kỹ càng trước khi cho phép lập đề án. "Quảng Ngãi đang trong giai đoạn kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Bởi vậy, khi lập hồ sơ đề án CVĐC sẽ khó tránh khỏi "xung đột" do quá trình phát triển công nghiệp gây ra, khó đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của UNESCO" - vị này nói.
Bình luận (0)