Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, số ca mắc trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng liên tục tăng. Các hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội, du lịch quốc tế, hoạt động tại các cơ sở di tích, tín ngưỡng, tôn giáo và các cơ sở giáo dục - đào tạo tổ chức dạy học trực tiếp... cùng biến chủng Omicron đã ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Số ca bệnh tăng cao
Bộ Y tế cho biết ngày 19-2, cả nước ghi nhận 41.980 ca mắc mới tại 61 tỉnh, thành, trong đó có 29.831 ca ngoài cộng đồng. TP Hà Nội có số ca mắc mới cao nhất nước với 4.869 ca, tiếp đến Bắc Ninh với 3.040 ca.
Trong lần thứ 7 điều chỉnh về phân luồng tiếp nhận, điều trị với người bệnh Covid-19 (F0), Sở Y tế TP Hà Nội đã bổ sung chi tiết cơ sở tiếp nhận F0 là trẻ em, đồng thời yêu cầu các bệnh viện ở Hà Nội khẩn trương khảo sát năng lực đáp ứng điều trị nhi khoa toàn ngành, xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận, điều trị trẻ em mắc Covid-19...
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chùa Hương
Để bảo đảm tốt công tác điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 trong thời gian học sinh, sinh viên đến trường học tập trung trở lại, Sở Y tế TP Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chuyên khoa đầu ngành nhi - tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đơn vị trong ngành công tác xử trí, chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện này chịu trách nhiệm khảo sát năng lực đáp ứng điều trị nhi khoa toàn ngành để lên kế hoạch hỗ trợ đơn vị tuyến dưới trong công tác điều trị trẻ em nhiễm SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa có giường điều trị nhi khoa khẩn trương xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận, điều trị trẻ em mắc Covid-19, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao đáp ứng điều trị.
Không chủ quan, lơ là
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, việc số ca mắc Covid-19 ở TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tăng vọt là điều đã được dự báo từ trước. Lý do là mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, biến thể lây lan nhanh, cộng thêm gia tăng đi lại của người dân tại tất cả các địa phương khi chúng ta phục hồi các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế... Rất nhiều trường hợp không có triệu chứng là nguồn lây âm thầm trong cộng đồng. Ngoài ra, có một bộ phận không nhỏ người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng TP Hà Nội cần kiểm soát số ca tử vong, không để số ca mắc tăng cao nữa. "Khi đã mở cửa, chúng ta chấp nhận số ca mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Không có bệnh dịch nào mà mỗi ngày có hơn chục ca tử vong. Người già, người mắc bệnh nền là yếu tố gia tăng nguy cơ tử vong nhưng nếu không mắc Covid-19 thì họ sẽ không tử vong. Vì thế, chúng ta vẫn cần kiểm soát, trường hợp nào cần thiết thì phải nhập viện điều trị" - ông Phu nhấn mạnh.
Dù số ca nặng và tử vong trên toàn quốc giảm hơn so với thời điểm trước đó, song PGS-TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập...
Giá xét nghiệm tiếp tục giảm mạnh
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02 quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 thay thế Thông tư 16 về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Đây là lần thứ 3 giá xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế điều chỉnh giảm giá. Theo đó, với xét nghiệm SARS-CoV-2 test nhanh mẫu đơn, giá dịch vụ tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm, trong khi mức giá theo quy định hiện hành ở Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Với giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động, mẫu đơn không quá 178.900 đồng/xét nghiệm. Với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm. Trường hợp gộp mẫu thì mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu theo quy định.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ, mức giá thực hiện gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) do cấp có thẩm quyền của địa phương quy định nhưng không vượt mức giá tối đa khung giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định tại thông tư này.
N.Dung
Bình luận (0)