Sáng 24-11, Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Hơn 80 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Kiểm soát chặt thực phẩm nhập khẩu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam vẫn liên tục ghi nhận các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2. Tại nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân. Khu vực châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế lo ngại nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hơn nữa, trong thời gian tới, cả nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất.
Thời gian qua, đã xuất hiện những yếu tố lây nhiễm mới. Chẳng hạn như việc nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ vùng có dịch có thể chứa mầm bệnh, tiềm ẩn nguy cơ Covid-19 xâm nhập, tái bùng phát. "Bộ Y tế đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, xây dựng phương án thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu; thực phẩm đông lạnh tại khu vực cửa khẩu, nhất là từ những nước có dịch. Cần phải xét nghiệm SARS-CoV-2 và kiểm soát chặt chẽ đối với các thực phẩm này vì khả năng sinh tồn của virus trên sản phẩm đông lạnh rất dài" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng thời gian qua, vẫn có những địa phương lơ là trong việc giám sát thực hiện cách ly người nhập cảnh, nhất là việc giám sát cách ly tại khách sạn và những cơ sở lưu trú dân sự. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong phòng chống dịch và sự phối hợp của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh thêm về nguy cơ này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết tình hình nhập cảnh trái phép cũng rất phức tạp. Từ đầu năm tới nay, bộ đội biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ngay chiều 24-11, nước ta đã ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19, là các ca nhập cảnh và đều được cách ly ngay tại Hà Nội (2 người), Vĩnh Long (2 người). Việt Nam hiện có 1.316 bệnh nhân Covid-19.
Nhiều người vẫn xem thường dịch bệnh, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: Ý LINH
Chưa xét nghiệm trên thực phẩm
Liên quan yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19) trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, chiều 24-11, nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cơ quan này chưa có văn bản triển khai thực hiện công tác kiểm tra.
Do đó, theo một lãnh đạo Chi cục Thú y vùng 6 - nơi kiểm tra chuyên ngành một lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đông lạnh nhập khẩu về các tỉnh phía Nam - hiện chưa có quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các lô hàng nhập khẩu. "Trước đây, khi có thông tin Trung Quốc đã ghi nhận nhiều vụ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng đông lạnh nhập khẩu, chúng tôi đã lấy mẫu kiểm tra nhưng kết quả đều âm tính" - một lãnh đạo Chi cục Thú y vùng 6 nói. Theo công bố của Cục Thú y hồi cuối tháng 8-2020, các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu đã lấy được 171 mẫu thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và bao bì đóng gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ 15 nước, kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã ban hành một "kế hoạch khử trùng phòng ngừa toàn diện" đối với thực phẩm và thủy sản đông lạnh nhập khẩu sau khi nước này cho rằng đây là những nguồn lây nhiễm dịch Covid-19. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, để thực hiện quy định này, một lô hàng phải mất thêm từ 1-2 tháng. Lô hàng phải được khử trùng và được một tổ chức độc lập cấp chứng nhận không bị nhiễm SARS-CoV-2 thì mới được đưa hàng ra thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng đông lạnh cũng lo lắng tình trạng tương tự khi thực hiện thêm xét nghiệm SARS-CoV-2 nên nếu triển khai cần tổ chức khoa học, hạn chế tình trạng ách tắc hàng hóa.
Nhiều người không chấp hành đeo khẩu trang
Trưa 24-11, theo quan sát của phóng viên, người dân đến khám, chữa nệnh tại các bệnh viện Gia Định, Ung Bướu, Chợ Rẫy, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch ở TP HCM đều chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang.
Còn tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP HCM), vẫn còn tình trạng hành khách cố tình không đeo khẩu trang. Được nhân viên bảo vệ nhắc nhở, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về mức phạt mới lên đến 3 triệu đồng. Ở khu vực các chợ dân sinh như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Hòa Bình (quận 5)... cũng không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều tiểu thương, người dân không đeo khẩu trang vô tư cười nói, mua bán rôm rả.
Ghi nhận tại một số tòa nhà tại quận 1, 3, Bình Thạnh, có không ít nhân viên văn phòng không đeo khẩu trang vô tư ra vào. Tại các công viên: Văn hóa Phú Nhuận, Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Gia Định, công viên ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều người tập trung tản bộ, vui chơi cũng "quên" quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Bình luận (0)