Ngày 22-9, một lãnh đạo Cục CSGT - Bộ Công an cho biết Công an TP Hà Nội vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn khiến 1 tài xế tử vong, 1 CSGT bị thương trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hôm 15-9. Cục CSGT sẽ không phát ngôn cho đến khi có kết quả điều tra.
Nên khởi tố vụ án
Vào khoảng 15 giờ ngày 15-9, anh Nguyễn Việt Hùng (quê Thái Nguyên) lái ôtô Lexus BKS 20L-8888 lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Khi qua địa phận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, xe anh Hùng bị tổ công tác thuộc Phòng 8 Cục CSGT - Bộ Công an ra hiệu lệnh dừng do vi phạm lỗi chạy quá tốc độ.
Xe Lexus và xe tải sau vụ va chạm trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày 15-9 Ảnh: HẢI TUẤN
Trong lúc anh Hùng xuống xe làm việc với CSGT thì xe tải do tài xế Nguyễn Văn Thành (34 tuổi; trú huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) điều khiển, trên đường chở bột giặt từ Hà Nội đến Thái Nguyên đã tông vào đuôi xe 20L-8888 rồi tông tiếp vào anh Hùng và CSGT Nguyễn Anh Tuấn. Vụ tai nạn làm anh Hùng tử vong do chấn thương quá nặng, anh Tuấn được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Đại tá Trần Sơn (cựu Phó Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT) đánh giá đây là vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Qua xem xét vụ việc, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra.
"Từ kết quả điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn và lỗi của những người liên quan để xử lý theo quy định. Qua vụ việc, cơ quan chức năng cũng cần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong chính các văn bản quy phạm pháp luật mà có thời điểm còn gây ra sự tranh cãi về cách hiểu và cách vận dụng" - đại tá Trần Sơn nói.
Theo đại tá Trần Sơn, Thông tư 01/2016/TT-BCA Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT (trong đó gồm cả cao tốc) cho phép CSGT được dừng xe để kiểm soát người, giấy tờ và phương tiện trong một số trường hợp.
Nội dung tuần tra phải nằm trong kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thông tư 01 cho phép CSGT được dừng xe khẩn cấp trên đường bộ (kể cả cao tốc) trong trường hợp phát hiện phương tiện có thể gây nguy hiểm cho người khác, có dấu hiệu tội phạm hoặc có nguy cơ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, người làm nhiệm vụ phải hướng dẫn phương tiện dừng đỗ ở làn khẩn cấp trên cao tốc. Trước khu vực dừng phương tiện, lực lượng chức năng phải đặt tín hiệu cảnh báo bảo đảm an toàn, không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
Ngoài ra, mục 4 điều 12 quy định việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
Chiều 22-9, một lãnh đạo Văn phòng CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan điều tra vẫn đang phối hợp với VKSND, TAND cùng cấp để tiến hành khởi tố vụ án, làm rõ cá nhân liên quan.
Luật không sát với thực tế
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng có sự mâu thuẫn trong các quy định. Cụ thể, việc dừng xe trên cao tốc đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cũng như quy định về khoảng cách giữa 2 xe được ghi nhận tại khoản 1 điều 12 Luật Giao thông Đường bộ 2008, gây mất an toàn.
"Các phương tiện trên đường cao tốc thường di chuyển với tốc độ cao, có thể dao động 100-120 km/giờ, tùy thuộc vào từng tuyến. Với tốc độ di chuyển nhanh như vậy mà CSGT bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột thì có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển phương tiện và những xe đang lưu thông với tốc độ nhanh ở phía sau, thậm chí nguy hiểm cho cả những CSGT đang thực thi nhiệm vụ" - luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - cựu tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội - cho rằng khi phát hiện phương tiện vi phạm, tổ tuần tra không nhất thiết phải buộc dừng xe khi xe đang lưu thông tốc độ cao mà có thể thông báo tới chốt chặn tại trạm thu phí, nút giao để bảo đảm an toàn cho con người, phương tiện cũng như tránh va chạm đáng tiếc. Ngoài ra, thay vì dừng xe trên cao tốc, cán bộ tuần tra có thể lưu hình ảnh từ camera giám sát, thông tin phương tiện để phạt nguội…
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, để xảy ra vụ tai nạn nêu trên, cần xem xét trách nhiệm của tổ công tác CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông liên quan đến vụ việc. Mặc dù quy định pháp luật cho phép tổ công tác được xử phạt trên đường cao tốc nhưng vì việc xử phạt đã gián tiếp dẫn đến cái chết thương tâm của tài xế xe Lexus nên tổ công tác CSGT, tài xế xe tải gây tai nạn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị hại" - luật sư Tuấn Anh nói.
"Tôi giật mình, không kịp xử lý!"
Tài xế Nguyễn Văn Thành cho biết khi xe của anh đang đi làn giữa của cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì phát hiện một chiến sĩ CSGT và một người đàn ông đứng cạnh cửa ôtô Lexus ở làn khẩn cấp.
Vừa nhìn thấy CSGT, anh bị giật mình nên nhìn qua gương chiếu hậu bên trái thì phát hiện ôtô khác đi làn trong cùng nên phải đánh lái sang làn bên cạnh (làn khẩn cấp).
"Thời điểm điều khiển phương tiện, tôi không sử dụng rượu, bia hay chất kích thích nào khác . Do sự việc xảy ra quá nhanh, bản thân lại bị cuống nên đã không kịp xử lý tình huống trên đường, dẫn đến vụ tai nạn đau lòng" - anh Thành nói.
Sau khi xe tải đâm vào CSGT và tài xế xe Lexus, anh Thành đã bắt xe đang lưu thông trên đường cao tốc đưa 2 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, sau đó đến Công an huyện Sóc Sơn trình diện.
"Gia đình tôi đã lên Thái Nguyên gửi lời động viên, chia buồn cùng người đã mất, đồng thời cũng đến thăm hỏi chiến sĩ CSGT bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện. Tôi mong muốn gia đình các nạn nhân trong vụ việc có thể mở lòng, rộng lượng bỏ qua mọi việc và tạo điều kiện để tôi và gia đình có thể khắc phục hậu quả" - anh Thành nói.
Bình luận (0)