Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Theo đó, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-8-2020 và thay thế Thông tư số 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Thực hiện theo luật
Cụ thể, theo Thông tư số 65/2020, CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; kiểm soát người và phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông. Ngoài ra, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. CSGT được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản… "Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm an toàn, đúng quy định pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện các việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật" - Thông tư 65 quy định.
CSGT tuần tra, kiểm soát sẽ được trang bị súng tiểu liên từ ngày 5-8 Ảnh: NGÔ NHUNG
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp trên đường cao tốc để kiểm tra, xử lý trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc...
Đáng chú ý, phương tiện của CSGT gồm ôtô, môtô tuần tra, kiểm soát, xe chuyên dụng, xe đạp; vũ khí, công cụ hỗ trợ gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8. "Việc trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật" - thông tư nêu rõ.
Cần có quy định cụ thể
Trước đó, cuối năm 2019, giải thích về trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (lúc đó là Cục trưởng Cục CSGT-Bộ Công an), cho rằng theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, CAND được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. "Tại Thông tư 01/2016 chưa được nêu cụ thể CSGT được sử dụng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ gì nên dự thảo này phải bổ sung. Việc trang bị súng trường, súng tiểu liên là phù hợp với hoạt động của lực lượng CSGT" - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc trang bị thêm công cụ hỗ trợ cho lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hòa, cần có quy định cụ thể khi nào dùng súng để tránh tình trạng lạm dụng của CSGT khi được trang bị vũ khí quân dụng. "Theo đó, cần tập huấn kỹ năng cho chiến sĩ CSGT có phẩm chất, kỹ năng nghiệp vụ tốt khi sử dụng công cụ hỗ trợ. CSGT phải hiểu được sử dụng công cụ hỗ trợ lúc nào, khi nào được sử dụng và chỉ có thể sử dụng vũ khí đối với những trường hợp tội phạm manh động, chống người thi hành công vụ chứ không phải để trấn áp người dân" - đại biểu Hòa nhấn mạnh và cho rằng chỉ cần CSGT nào vi phạm các quy định thì phải bị xử lý trách nhiệm kỷ luật, có thể cho ra khỏi ngành.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật về ATGT - Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết lực lượng công an luôn trang bị đầy đủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ để bảo đảm hoạt động khi thi hành công vụ. Còn việc trang bị vũ khí cụ thể như thế nào thì không thể công khai. "Đối với các trường hợp sử dụng súng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ phải kèm theo Luật CAND" - đại tá Nhật thông tin.
Bình luận (0)