"Năm ngoái, mấy cơ sở giặt, nhuộm này còn nằm ở quận Bình Tân, bên đó xử "rát quá", họ chạy qua huyện Bình Chánh, rồi Bình Chánh "dí quá", họ lại chạy qua huyện Hóc Môn. Vòng luẩn quẩn cứ thế tái diễn" - đó là nhìn nhận của 2 cán bộ phụ trách môi trường của huyện Bình Chánh và Hóc Môn (TP HCM).
Liên tục bị đẩy đuổi
Theo ghi nhận của chúng tôi, thực trạng trên cũng là tình cảnh chung của nhiều địa phương ở TP HCM, nhất là các quận - huyện vùng ven, đang trong quá trình đô thị hóa, cư dân rất bức xúc khi ở cạnh cơ sở sản xuất. Đơn cử, quận 12 có 600 cơ sở sản xuất phát sinh khí thải, nước thải xen cài trong khu dân cư (KDC), tuy không phải cơ sở nào cũng gây ô nhiễm nhưng rõ ràng người dân khó chấp nhận nhà xưởng sản xuất cạnh nhà mình. Trong khi hiện không có quy định nào cấm sản xuất trong KDC và cũng không có danh mục ngành nghề cấm hoạt động trong KDC, các chế tài liên quan xử lý ô nhiễm chủ yếu phạt tiền, chưa áp dụng ngừng cấp điện nên chủ cơ sở "lờn thuốc". Vì vậy, theo ông Đặng Hải Bình, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, để giải quyết bức xúc của người dân, địa phương chỉ còn cách tăng cường xử phạt, kiểm tra thường xuyên, gây áp lực khiến chủ cơ sở phải chuyển đi nơi khác. "Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ sở ô nhiễm ra khỏi quận 12 sẽ đến địa phương khác, tiếp tục gây bức xúc cho người dân, bởi tìm điểm đến cho các cơ sở này không dễ vì hiện nay, một số cụm công nghiệp (CCN) của quận 12 đã lấp đầy như Tân Thới Hiệp, Quang Trung... Còn thành lập CCN mới phải phù hợp với quy hoạch của địa phương và quy hoạch chung của TP" - ông Bình phân tích.
Một cơ sở sang chiết hóa chất nằm xen cài trong khu dân cư ở huyện Hóc Môn, TP HCM
Tương tự, huyện Hóc Môn có 240 đơn vị sản xuất phát sinh khí thải, nước thải xen cài trong KDC. Quá trình vận động di dời chỉ vài cơ sở chấp hành, còn lại vẫn chây ì nên địa phương này chỉ còn cách tăng cường kiểm tra, xử phạt để chủ cơ sở tự khắc phục hoặc dời đi nơi khác. Nói về điểm đến cho các cơ sở này, ông Dương Văn Phúc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn, cũng thừa nhận do các cơ sở nhỏ và vừa nên khả năng tài chính có hạn, đa số không đáp ứng đủ điều kiện để vào KCN, còn vào CCN cũng không xong vì trên địa bàn huyện có 2 CCN là Khánh Đông và Nhị Xuân đã lấp đầy hoặc không nhận ngành nghề có phát sinh ô nhiễm. "Nên có CCN để đưa các cơ sở nhỏ và vừa vào nhằm quản lý tập trung thay vì cứ đẩy cơ sở chạy lòng vòng như hiện nay" - ông Phúc kiến nghị.
Băn khoăn về địa điểm di dời khi địa phương có 289 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đề xuất các KCN nên dành 20% quỹ đất cho các cơ sở nhỏ để cùng TP giải quyết bài toán chung. Hiện nay, huyện Bình Chánh đã đề xuất Ban Quản lý các KCN-KCX TP HCM (HEPZA) hỗ trợ tiếp nhận 41/289 cơ sở ô nhiễm vào các KCN còn quỹ đất.
KCN muốn nhận nhưng lo ngại
Là đơn vị đầu tiên thí điểm tiếp nhận 16 cơ sở giặt, nhuộm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 vào KCN, ông Trần Như Hùng, Phó Tổng giám đốc KCN Lê Minh Xuân 3, cho biết giai đoạn 1 và 2 của KCN này có khoảng 240 ha, trong đó có một phần quỹ đất tầm 10 ha dành cho việc di dời 16 cơ sở giặt, nhuộm của quận 12 theo chỉ đạo của UBND TP. Hiện nay, một số địa phương đã đề xuất KCN hỗ trợ các cơ sở nhỏ lẻ vào. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tính toán dành 13 ha xây sẵn hệ thống nhà xưởng với diện tích nhỏ và vừa, qua đó sẽ sắp xếp theo cụm phù hợp với từng ngành nghề như cụm phát sinh khí thải, nước thải..." - ông Hùng nói.
Trong khi đó, HEPZA cho hay toàn TP có 3 KCN còn quỹ đất trống gồm KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Tân Phú Trung và KCN An Hạ. Thế nhưng, để các "anh cả" này chung tay đón nhận các cơ sở nhỏ vẫn là bài toán nan giải. Một cán bộ đại diện HEPZA phân tích thêm, điểm đến cho cơ sở nhỏ là bài toán HEPZA đã tính từ lâu nhưng chưa có câu trả lời vì các cơ sở này ít vốn, không đủ điều kiện vào KCN. Chủ đầu tư KCN dù muốn tiếp nhận những khách hàng này nhưng lo ngại sau đó các doanh nghiệp khác không dám đến thuê đất. Đơn cử như KCN Tân Phú Trung, quỹ đất còn rất nhiều nhưng do còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm nên sau khi đến tìm hiểu thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã không quay lại. Cả KCN An Hạ khi được HEPZA yêu cầu hỗ trợ các địa phương cũng có văn bản phúc đáp với lý do họ không đủ năng lực xử lý chất thải, nước thải nên từ chối tiếp nhận.
Theo đại diện HEPZA, việc thí điểm tiếp nhận 16 cơ sở giặt nhuộm tại quận 12 đã phát huy tác dụng khi TP có nhiều chính sách ưu đãi cho cả chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân 3 (giao đất nhanh) và cho cơ sở ô nhiễm (vay vốn kích cầu). Tuy nhiên, với giá cho thuê đất tại 16 cơ sở này thì chủ đầu tư không có lãi. Do đó, về lâu dài, muốn khuyến khích chủ đầu tư các KCN, KCX chung tay đón nhận các cơ sở nhỏ và vừa, TP cần có nhiều chính sách hỗ trợ cũng như các chế tài đủ mạnh để các cơ sở ô nhiễm phải thay đổi công nghệ.
Cần sớm thông qua quy hoạch cụm công nghiệp
Theo Sở Công Thương TP HCM, nhu cầu phát triển CCN ngày càng tăng trong khi quỹ đất tại TP ngày càng hẹp. Do đó, sở này kiến nghị UBND TP sớm thông qua quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa ra khỏi quy hoạch các CCN không khả thi và giao cho các địa phương chủ động quản lý, rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng trong các CCN cho các doanh nghiệp nhỏ thuê sản xuất; hướng dẫn điều kiện, quy trình thành lập đối với CCN đầu tư bằng nguồn xã hội hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Bình luận (0)