CCN Sông Cầu nằm gần vùng nguyên liệu, gần các đầu mối giao thông chính, thuận tiện lưu thông, vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm. Cơ sở hạ tầng ở CCN này được đánh giá là hiện đại, hệ thống đường nội bộ được thiết kế theo quy chuẩn quốc gia. Nguồn điện từ mạng lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp, đường dây trung thế có cáp bọc chạy dọc, nối điện 3 pha đến từng nhà máy. Hệ thống cấp nước đến các nhà máy cung cấp nước công suất 700 m3/ngày đạt tiêu chuẩn A. Nhà máy xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ngày…
Cụm công nghiệp Sông Cầu, tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa
CCN Sông Cầu được thiết kế dành riêng cho các ngành công nghiệp như: chế biến nông - lâm sản, may mặc, sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp cơ khí chế tạo, sửa chữa máy móc, cơ khí xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng... Qua thời gian triển khai xây dựng dự án, đến nay CCN Sông Cầu đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và sẵn sàng đón nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư xây dựng. Nguồn lao động dồi dào cũng tạo ra nhiều thuận lợi cho các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, đánh giá CCN Sông Cầu hoàn thành, triển khai thu hút đầu tư là một sự kiện quan trọng của huyện miền núi còn nghèo như Khánh Vĩnh. Huyện đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Raglai (chiếm gần 50% dân số), T’rin (14% dân số) và Ê Đê… kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rừng. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử huyện có một CCN lớn như vậy. Điều này mở ra nhiều cơ hội, hy vọng cho người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, trau dồi kiến thức, kỹ thuật, hậu cần phục vụ… để phát triển kinh tế - xã hội" - ông Hường nói.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết hiện tại đã có 9 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê đất tại CNN, chiếm tỉ lệ hơn 60% diện tích toàn khu. Sau khi đi vào hoạt động, CNN sẽ giải quyết hàng ngàn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới cho huyện Khánh Vĩnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)