Sáng 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức. Thời gian tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày phát động.
Hơn 230 tỉ đồng ủng hộ tại lễ phát động
Ra lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình tích cực chung tay ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
"Đoàn Chủ tịch trân trọng ghi nhận và sẽ kịp thời chuyển sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… tới những đơn vị, cá nhân đang phòng chống dịch, chữa trị bệnh, những trường hợp đang được điều trị bệnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng" - ông Trần Thanh Mẫn nói. Theo ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam - tính đến thời điểm lễ phát động, đã có 17 tổ chức thành viên, doanh nghiệp, ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền ủng hộ lên tới hơn 230 tỉ đồng, trong đó khối ngân hàng ủng hộ 140 tỉ đồng. Ngay tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã trực tiếp ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ quyên góp tại lễ phát động
Mỗi người dân là một chiến sĩ
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước những thời khắc hết sức quan trọng, đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 có quy mô toàn cầu. Trong hơn 2 tháng qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ.
Theo Thủ tướng, với tốc độ lây lan nhanh chóng, nhiều quốc gia đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về dịch bệnh. Những xáo trộn về tâm lý, nhịp sống và việc làm, sự suy giảm về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng lớn tới từng người dân, sự yên bình của mỗi quốc gia. Trong thời gian tới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ lan rộng hơn, sẽ còn nhiều trường hợp tử vong. Kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19 với 66 ca nhiễm (đã chữa khỏi 16 ca), chưa có ca tử vong. Kết quả bước đầu này là do sự vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. "Thắng lợi bước đầu này thể hiện ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", trên tinh thần "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" - Thủ tướng nói và khẳng định Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất.
Thủ tướng đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã tin tưởng và hưởng ứng những quyết sách phòng chống đại dịch. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực. "Tất cả chúng ta cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Những đóng góp to lớn và quý giá này góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái". Theo Thủ tướng, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.
"Một lần nữa tôi có niềm tin chúng ta sẽ làm tốt việc đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, áp dụng mọi biện pháp, mọi sáng kiến bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường; đồng thời quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tất cả những gì chúng ta đã và đang làm sẽ củng cố uy tín, niềm tin vào năng lực giải quyết vấn đề của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của tinh thần Việt Nam trước cộng đồng quốc tế" - Thủ tướng nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước phát huy những kết quả đạt được; tiếp tục nỗ lực hết sức mình thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch; cố gắng duy trì đời sống kinh tế - xã hội bình thường, an toàn; với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch, mỗi phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố, mỗi gia đình là một pháo đài phòng chống dịch.
Nêu cao tinh thần đoàn kết
"Mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị người dân và bà con ở nước ngoài xa xôi; tùy theo khả năng của mình, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng; nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam, đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.
"Thời gian vàng" để chặn dịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây cũng là giai đoạn vàng của Việt Nam để hạn chế lây nhiễm. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạn chế tụ tập đông người ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các thành phố lớn, để hạn chế lây nhiễm. Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung, cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát.
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết "thời gian vàng" là khi chúng ta sớm phát hiện được các ca bệnh Covid-19 đầu tiên (F0) xâm nhập nước ta, đưa đến các cơ sở y tế điều trị. Đồng thời, điều tra dịch tễ rõ "đường đi" của từng bệnh nhân, tìm được từng địa điểm bệnh nhân đã dừng, lên danh sách từng người tiếp xúc với bệnh nhân để kịp thời cách ly tại bệnh viện F1, cách ly tại nhà F2..., cách ly tập trung người đi từ vùng dịch về... "Chặn được những ca bệnh sớm, dịch không lan ra cộng đồng, chúng ta sẽ thành công. Đây chính là thời điểm vàng khi công dân Việt Nam về nước rất nhiều, sẽ có nhiều người trong thời gian ủ bệnh. Chúng ta phải nắm chặt thời gian này để cách ly triệt để, phát hiện ca bệnh sớm" - ông Phu nói.
Trong số 45 ca bệnh mới phát hiện, có đến 29 ca bệnh phát hiện từ những chuyến bay (18 người nước ngoài, 11 người Việt đi du học và công tác từ nước ngoài trở về). 16 ca bệnh còn lại đều là người Việt, lây nhiễm từ các ca bệnh từ nước ngoài về. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc quan trọng trong thời điểm vàng này là sớm phát hiện, khoanh vùng các ca F0 đến từ các nước, ngay ở sân bay, cửa khẩu. Việc cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm cho các hành khách, công dân Việt Nam trở về (hoặc đến) từ các nước là vùng dịch rất quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện các ca mắc Covid-19 ở Việt Nam phần lớn là xâm nhập từ nước ngoài. Điều này cho Việt Nam ưu thế trong việc ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn, tốt hơn, trong khi nhiều nước khác khó xác định được bệnh nhân số 0 (bệnh nhân đầu tiên) nên đã để dịch bùng phát ra cộng đồng. Đây là điểm mạnh trong phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay.
N.Dung
Bình luận (0)