xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Tôi là công nhân Liên Xô

HÀ DUNG (viết theo lời kể của ba tôi)

Bây giờ, mỗi khi hô vang khẩu hiệu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi biết rằng luôn có dáng hình người anh Liên bang Xô viết ở đó!

Đó là một ngày cuối mùa thu năm 1985, tôi khi ấy đang là công nhân tại Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) thì bất ngờ nhận được thông báo từ đơn vị. Bác Hồ Cừu, giám đốc nhà máy, gọi tôi lên và hỏi: "Sơn, con có muốn sang Liên Xô làm việc một thời gian không?".

Tình người ấm lòng nơi xứ lạnh

24 tuổi, lại là bộ đội chuyển ngành, sức trẻ và khao khát được va vào đời sống, tôi gật đầu với bác không hề do dự. Tôi khi ấy không cần biết Liên Xô cách Việt Nam bao xa, điều kiện sẽ khó khăn như thế nào, chỉ biết rằng mối tình hữu nghị Xô - Việt đã trở thành mối tình anh em được quốc tế công nhận. Và thế là chỉ sau 3 tháng chuẩn bị làm thủ tục, tôi lên đường đi Liên Xô, đến với người bạn - người anh lớn của đất nước.

Sân bay đông nghịt người, trẻ trung và giàu nhiệt huyết. Chúng tôi hăng hái xếp hàng lên máy bay với sự háo hức của lần đầu được lên chuyên cơ và nỗi hồi hộp của lần đầu xa xứ. Cảm giác này thật khác lạ so với lần tôi xung phong đi bộ đội biên giới phía Bắc. Ít ra là ở biên giới tôi còn có cảm giác gần quê hương, còn lần này thì "Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay".

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Tôi là công nhân Liên Xô - Ảnh 1.

Hình ảnh hiếm hoi tôi chụp tại khu ký túc xá ở Liên Xô

Sau 18 giờ trên máy bay, chúng tôi đáp xuống sân bay Moscow trước khi lên xe di chuyển đến nơi được mệnh danh là lạnh giá nhất thế giới - vùng Siberia của nước Nga.

Từ một đất nước cận xích đạo nóng quanh năm, nay đột ngột ở giữa mùa xuân của Bắc bán cầu, cái lạnh khiến tôi bị sưng hết hai tai, phải nằm viện 1 tuần liền. Ngay khi vừa khỏe lại và được ra ngoài, tôi vội vàng bốc… một nắm tuyết lên ăn thử. Lạ thay, thứ tuyết của nơi âm 20 độ này sao lại giống vị kem ở quê nhà thế? Vị kem mà mỗi buổi trưa yên ắng chỉ cần nghe tiếng rao "Ai ăn kem không?" là tôi và lũ trẻ con trong xóm bật dậy chạy ngay ra trước nhà. Ăn một chút tuyết trắng, thứ chưa bao giờ xuất hiện ở quê tôi vậy mà tôi lại thấy hiện ra ngay trước mắt mỏ than Quảng Ninh quanh co trên những rặng núi đá. Tôi cảm thấy ấm lòng vì chí ít đã tìm ra được sợi dây kết nối giữa nơi giá lạnh này và quê hương.

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Tôi là công nhân Liên Xô - Ảnh 2.

Những anh em công nhân người Việt cùng tôi sống và làm việc nơi xứ người

Tôi đã bắt đầu 3 năm sống ở Nga bằng nỗi nhớ nhà như thế. Nhưng tuổi trẻ mà, nỗi nhớ ấy nhanh chóng được khỏa lấp bởi những điều mới mẻ. Ấn tượng đầu tiên đối với các chàng trai, cô gái Việt Nam chúng tôi khi đến Liên Xô là thiên nhiên, đất nước rất rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ và con người rất hiếu khách. Đặc biệt là những thành phố được xây dựng hiện đại, các nhà máy công nghiệp quy mô mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Tất cả những điều đó khiến tôi ngỡ ngàng và lòng đầy tự hào vì được làm việc tại một trong những nhà máy sản xuất hiện đại, cung cấp máy móc cho toàn ngành khai thác than lúc bấy giờ.

Công việc không mấy khó khăn vì những năm tháng quân ngũ đã rèn cho tôi sức bền và khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Nhà máy nơi tôi làm việc sản xuất bánh xe gòng, máy tời… - những thiết bị dùng trong sản xuất than. Tôi đứng máy làm việc mỗi ngày rồi đêm đêm về khu ký túc xá cùng những anh em khác.

Tôi nhớ mãi người bạn, người thầy đầu tiên của tôi tại Liên Xô lại là một người tôi chưa từng biết tên. Anh được giao nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi làm việc nhưng vì rào cản ngôn ngữ nên chúng tôi đa phần chỉ nói chuyện với nhau bằng ký hiệu. Vậy mà thông qua những ký hiệu đó, tôi cảm nhận được sự ấm áp, chí tình ở nơi đây. Thì ra Liên Xô mà tôi hằng tưởng tượng giản dị là vậy. Là những người da trắng cao lớn lạ lẫm kia vẫn có nụ cười hồn nhiên, trung hậu như người Việt Nam máu đỏ da vàng.

Đối với những cựu công nhân Việt Nam lao động hợp tác tại Liên bang Xô viết như tôi, những giờ làm việc trên phân xưởng là quãng thời gian ghi dấu nhiều kỷ niệm vui buồn khó phai trong lòng. Bởi ở đó, chúng tôi say mê làm việc, được kết bạn với những công nhân quốc tế khác, rồi tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao của Công đoàn nhà máy. Ở khu ký túc xá, chúng tôi được nghe về mối tình thâm giữa Việt Nam và Liên Xô.

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Tôi là công nhân Liên Xô - Ảnh 3.

Cuộc mít tinh Cách mạng Tháng Mười Nga mà chúng tôi tham dự

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều cách khác nhau đã bày tỏ mong muốn Việt Nam được làm bạn với các nước, đặc biệt là thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô - cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới rất ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và từng giúp đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ cách mạng.

Sau khi Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới (ngày 14-1-1950), ngày 30-1-1950, Liên Xô và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô được hai nước ký kết vào ngày 3-11-1978. Và chúng tôi, những thanh niên đang có mặt tại nhà máy vùng Siberia chính là những xác tín cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác về kinh tế - xã hội ấy.

Mang niềm tự hào, lứa thanh niên chúng tôi ngày ấy hăng say làm việc, tham gia những chương trình giao lưu. Tôi nhớ mãi lần đi dự mít tinh Cách mạng Tháng Mười Nga. Khi tiếng nhạc Quốc ca của Nga vang lên, ngộ thay, tôi như cũng nghe thấy thanh âm "đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc". Kỳ lạ thay thứ ngôn ngữ khác biệt ở nơi cách nửa vòng trái đất này lại như tiếng nói quê nhà. Có lẽ vì đó là tiếng lòng của người yêu chuộng hòa bình, mà hòa bình thì không có biên giới.

Mãi là công nhân Liên Xô

Thế nhưng, 3 năm tôi ở Liên Xô cũ cũng là thời gian xảy ra nhiều biến động chính trị. Khoảng giữa năm 1988, công nhân các nước bắt đầu bị rút về nước. Chúng tôi lờ mờ nghe về một cuộc khủng hoảng chính trị và Liên Xô có nhiều khả năng sụp đổ. Vậy là chúng tôi được về nước sớm hơn dự kiến 2 năm.

Tạm biệt Liên Xô, tạm biệt tuổi trẻ với biết bao kỷ niệm. Trên chuyến bay trở lại Việt Nam sau 3 năm sống và làm việc ở nước ngoài, tôi có cảm giác mình đã thực sự là một công nhân Xô viết. Và tôi tự hào mình mang tinh thần sống và làm việc hăng say của người anh lớn Liên Xô trở về, làm giàu thêm cho đất nước Việt Nam.

Đã hơn 30 năm ngày tôi về nước, nước Nga vẫn đẹp trong trái tim tôi. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống nơi xứ người, chứng kiến sự tan rã đau lòng của Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong tôi vẫn đọng lại tình đồng chí, đồng đội. Để rồi hôm nay, khi đất nước ta vẫn đang phát triển mỗi ngày, vững vàng trên con đường xã hội chủ nghĩa, tôi biết mối tình hữu hảo năm xưa vẫn sáng đẹp trong từng giai đoạn biến động của lịch sử.

Anh em công nhân chúng tôi ngày ấy bây giờ kẻ Nam người Bắc, ai cũng có cuộc sống và công việc riêng nhưng mỗi khi có cơ hội gặp nhau hay trao đổi qua điện thoại, chúng tôi đều nhắc đến Liên Xô với lòng kính yêu vô hạn. Một đất nước thật đẹp đã dạy cho chúng tôi biết sống vì mọi người. Và có lẽ sự vĩ đại của Liên bang Xô viết - siêu cường xã hội chủ nghĩa năm xưa - là ở chỗ họ không chỉ phát triển một mình mà trên hành trình ấy còn nâng đỡ những nước nhỏ bé, yếu thế hơn, trong đó có đất nước ta. Để rồi hôm nay mỗi khi hô vang khẩu hiệu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ta biết rằng luôn có dáng hình người anh Liên bang Xô viết ở đó! 


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Tôi là công nhân Liên Xô - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo