Ngày 16-12, tại TP HCM, Bộ Công an phối hợp Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học lịch sử "Vai trò của lực lượng Công an Nhân dân (CAND) trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Gần 500 đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, các lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, đại diện lực lượng công an các địa phương khu vực phía Nam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học… đã tham dự hội thảo quan trọng này.
Chi viện đúng lúc, kịp thời
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết cách đây 50 năm, Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt diễn ra ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam đã đập tan 600 ấp chiến lược, giải phóng hơn 100 xã và hơn 1,6 triệu dân. Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải xuống tay chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, chấp nhận đàm phán tại hội nghị Paris. Thắng lợi của chiến lịch này tạo ra một bước ngoặt quyết định để cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi tới thắng lợi. Trong những chiến công đó có vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng CAND anh hùng.
Gửi tham luận đến hội thảo, Thượng tướng, GS-TS Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định CAND là một trong những lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời, toàn diện về cán bộ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần… góp phần quan trọng làm chuyển biến tương quan lực lượng, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam. "Năm 1955, Bộ Công an đã triệu tập, mở lớp học tập, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ để chi viện an ninh miền Nam. Từ năm 1965 đến 1968, Bộ Công an đã chi viện gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ, chiến sĩ" - Thượng tướng Tô Lâm dẫn thêm cứ liệu quan trọng.
Nói về những đóng góp của lực lượng an ninh miền Nam, Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Đình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, nhớ lại thời khắc theo lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng an ninh miền Nam trên khắp chiến trường đã nhất tề xông lên, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang khác và nhân dân chiến đấu vô cùng anh dũng, sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Thiếu tướng nhấn mạnh: Trong cuộc chiến đấu cam go, lực lượng CAND mà trực tiếp là lực lượng an ninh miền Nam đã góp phần quan trọng cùng quân và dân ta giáng cho địch một đòn choáng váng, mất hoàn toàn thế chiến lược ngay trong các đô thị và các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh, đã loại khỏi vòng chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt hàng vạn sinh lực địch, phá hủy nhiều trang bị, phương tiện, kho tàng và cơ sở hạ tầng chiến tranh, phá rã hàng ngàn ấp chiến lược, làm tan rã vùng kiểm soát của địch ở nông thôn…
Sự hy sinh và những đóng góp to lớn của lực lượng Công an Nhân dân trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 hun đúc ý chí, quyết tâm, cống hiến vì Tổ quốc cho các thế hệ Công an Nhân dân
Bài học vô giá
Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nói chiến công lừng lẫy của chiến dịch Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và an ninh miền Nam đã đi vào lịch sử, tạo nên một tượng đài bất tử, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.
Theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, một trong những bài học ấy là lực lượng an ninh miền Nam đã góp phần xây dựng lực lượng chính trị, sớm thiết lập cơ sở cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, gắn bó với nhân dân, tạo nên căn cứ vững chắc trong lòng dân.
Với thất bại của Mậu Thân, Mỹ nhận thấy rằng không thể thắng ta về quân sự, do đó buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị Paris, để rồi hơn 4 năm sau, sau thất bại của trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân viễn chinh về nước…
Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự kiện Mậu Thân chính là Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh của nhân dân. Lực lượng vũ trang và an ninh Việt Nam luôn có một căn cứ vững chắc - căn cứ lòng dân. Đó là bức "tường đồng vách sắt" mà không một thế lực nào có thể thắng nổi.
"Lấy dân làm gốc vẫn là bài học lớn, đi mãi với thời gian. Vận dụng kinh nghiệm lịch sử, trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Những thành tựu mà nhân dân ta đã giành được trong xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với thành quả của việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội" - Thiếu tướng Vũ Quang Đạo đúc kết.
Nhiều tư liệu quý
Hội thảo đã nhận 110 bài tham luận của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhân chứng lịch sử. Các bài tham luận đã làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng, khẳng định những đóng góp to lớn của lực lượng CAND, nhất là tinh thần tự chủ sáng tạo, mưu trí dũng cảm của lực lượng an ninh miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thắng lợi của chiến dịch này là thắng lợi của sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp đúng đắn, quyết tâm chiến lược táo bạo, trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng CAND.
Ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM:
Kế thừa truyền thống vẻ vang
Hội thảo được tổ chức tại TP HCM, một địa bàn trọng điểm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam có ý nghĩa quan trọng. Đây là nơi lực lượng an ninh miền Nam cùng nhân dân, các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công thẳng vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công đi vào lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi lực lượng Công an TP HCM phải kế thừa truyền thống vẻ vang của lực lượng an ninh miền Nam, CAND vừa công tác vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng; không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phát triển theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu, nhiệm vụ Đảng bộ và nhân dân TP đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đại tá - TS Trần Quang Tám, Phó Cục trưởng Cục Chính trị An ninh (Tổng cục An ninh - Bộ Công an):
Tham mưu để quyết định cách đánh phù hợp
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là biểu hiện của ý chí và sức mạnh con người Việt Nam; thể hiện tài mưu lược và sự sáng tạo trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng. Trong đó, lực lượng an ninh có những đóng góp quan trọng, tham mưu cho Đảng tính toán, lựa chọn thời điểm và quyết định cách đánh phù hợp. Những đóng góp và kinh nghiệm của lực lượng an ninh, CAND trong sự kiện lịch sử này mãi mãi là niềm tự hào và là bài học quý cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND hiện nay và mai sau.
Thiếu tá - TS Tống Thị Nga, Phó trưởng Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Hành chính Quốc gia:
Bài học cho xây dựng "thế trận lòng dân"
Thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân 1968 để lại bài học về xây dựng "thế trận lòng dân" còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trên hết, các thế hệ CAND hôm nay và mai sau phát huy, xứng đáng với những đóng góp to lớn của lực lượng an ninh, CAND đi trước.
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng "thế trận lòng dân" là xây dựng nền tảng chính trị - xã hội của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở đồng thuận, đoàn kết của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
B.Nghi ghi
Bình luận (0)