Trưa 4-7, xóm nghèo vắng vẻ ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, trở nên xôn xao chưa từng thấy. Hàng trăm lượt người kéo đến ngôi nhà xập xệ của bà Nguyễn Thị Hến (83 tuổi) để chia vui với người mẹ già vừa tìm được con gái Nguyễn Kim Hon sau 22 năm thất lạc, tưởng đâu đã qua đời.
Lấy ngày cúng cơm cha làm giỗ con
Chị Hon sinh ra trong một gia đình có đến 12 anh chị em. Nhà nghèo, không có điều kiện học hành nhiều nhưng tuổi thơ của người con gái quê cũng êm ả trôi qua. Rồi chị cũng lập gia đình sớm như nhiều người con gái ở quê lúc đó, khi mới vừa tròn 20 tuổi. Ngày lấy chồng cũng là ngày chị rời khỏi ngôi làng quen thuộc để về nơi phố chợ. Ai cũng mừng cho chị lấy được chồng ở chợ, thoát cảnh cơ cực với ruộng đồng. Nhưng ai có ngờ đâu bi kịch cuộc đời của chị cũng bắt đầu từ đó.
Chị Hon được đưa về nhà mẹ
Bà Hến cho biết, do không phù hợp với nếp sống nhà chồng nên chỉ mới cưới chưa đầy một năm, người con gái thứ 10 của bà phải ly dị chồng, đi làm thuê ở TP Cần Thơ, gửi tiền về lo cha mẹ.
"Hon đi làm gửi tiền đều đặn về nhà. Tháng đầu tiên tôi có lên thăm được một lần, rồi lần sau lên thăm thì chủ nhà trọ nói Hon đi đâu với ai đó, không còn ở nữa. Không cách nào tìm thấy con nên tôi đành về nhà chờ. Bẵng đi vài năm mà vẫn không có một chút tin tức gì của con gái. Tôi nghĩ nếu con có đi đâu thì cũng phải về thăm mẹ hoặc gọi điện hay thư từ về. Vậy mà một chút tăm hơi cũng không có nên tôi nghĩ chắc là con đã chết. Từ đó, mỗi năm đến đám giỗ ông bà tôi làm cơm cúng cho con, vì không biết ngày nó mất. Cha nó vì nhớ con mà đổ bệnh, qua đời. Kể từ đó, tôi lấy ngày cúng cơm cha nó để làm giỗ cho nó tới bây giờ", bà Hến nghẹn ngào kể.
Nhiều người đến động viên, chúc mừng mẹ con chị Hon được trùng phùng
Theo bà Hến, dù nghĩ là chị Hon đã chết nhưng mãi đến đầu năm 2019 này bà mới khai tử cho chị khi có đợt điều tra dân số của xã.
Cuộc trùng phùng kỳ diệu
Chị Hon kể rằng suốt 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc chị bị gả bán làm vợ qua 4-5 người đàn ông nhưng không có con. Người cuối cùng sống với chị lâu nhất là 8 năm. Cũng vì không sinh được con nên chị bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Đau đớn nhất là những năm tháng đọa đày ấy, chị không nhớ nổi mình là ai và từ đâu đến. "Tôi thấy người ta ai cũng có cha mẹ, anh chị em còn tôi thì không biết mình từ đâu có mặt trên đời. Càng cố nhớ tôi càng chua xót, tủi thân và nghĩ có lẽ vậy mà người ta đối xử với tôi không giống như một con người", chị Hon ứa nước mắt kể.
Bà Hến xúc động khi con gái mất tích 22 năm đột ngột trở về
Trong khoảng thời gian bế tắt nhất của phận người lưu lạc cũng chính là lúc may mắn mỉm cười với chị. Đó là khi xem một chương trình TV có nhắc hai từ "ăn cơm" bằng tiếng Việt, bỗng dưng bao ký ức tràn về, chị nhớ rõ mọi chuyện ở quê nhà, nhớ tên quê quán, nhớ tên từng thành viên trong gia đình và biết mình là người Việt Nam. Đó cũng là cánh cửa duy nhất giúp chị trở về đoàn tụ gia đình.
Khoảng một tuần trước, chị Hon được phát hiện đứng ngơ ngác tại cửa khẩu giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tinh thần hoảng loạn, nói không rành tiếng Việt. Sau đó, chị được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn chăm sóc và tìm hiểu thân nhân.
Ngôi nhà xập xệ của bà Hên, nơi chị Hon từng sinh sống
Trong mớ hành trang ít ỏi của người phụ nữ này có tờ giấy ghi lại địa chỉ quê quán và tên người thân trong gia đình ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, tỉnh Bạc Liêu. Câu chuyện 22 năm lưu lạc xứ người của người phụ nữ tội nghiệp này được cộng đồng mạng chia sẻ và nhanh chóng giúp chị gặp lại người thân.
Không để mất con lần nữa
Bà Hến cho biết, từ khi biết tin chị Hon trở về, bà xúc động đến không ăn gì được mà chỉ uống nước cầm chừng, chờ đón con về nhà.
Trưa 4-7, gặp lại người con thất lạc 22 năm, bà Hến ôm con khóc đến ngất, chị Hon cũng xúc động ngất theo.
Bà cho biết các con của bà đều có cuộc sống riêng ổn định, từ khi cha chị Hon mất, bà sống một mình trong ngôi nhà cũ xập xệ. Nhiều lần chính quyền địa phương ngỏ ý tặng nhà tình thương nhưng bà không nhận vì nghĩ rằng mình sống chẳng được bao lâu, dành phần cho người khác.
Dù đã 83 tuổi, nhưng bà Hến vẫn mưu sinh bằng nghề may vá. "Tôi đã tính rồi, hai mẹ con sẽ nương tựa cùng nhau mà sống, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Tôi sẽ dạy con may vá và tôi vẫn tiếp tục làm để kiếm tiền nuôi con. Lần này đón con như từ cõi chết trở về tôi nhất định không để mất con thêm lần nữa", bà Hến chia sẻ.
Bình luận (0)