Nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh, nơi đây được ví như "túi đựng nước" mỗi khi lũ về. Dù đã quen sống chung với lũ nhưng lũ lần này lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Ở những vùng ngập sâu, người dân leo lên nóc nhà để chờ cứu hộ, nhiều mái nhà chỉ còn nhô lên khỏi biển nước chưa đến 1 m. Những tiếng kêu cứu vang lên trong đêm tối. Các số cứu hộ đều trong tình trạng "cháy" máy.
Thượng tá Lê Văn Hóa cứu cháu nhỏ bị gãy tay trong tâm lũ ở Quảng Bình. Ảnh: NGUYỄN CHIẾN
Những cuộc gọi, dòng trạng thái (status) kêu cứu của người dân trên mạng xã hội khiến Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, lo lắng không yên. Ông lập tức huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ sử dụng xuồng máy, thuyền vượt lũ nhanh chóng tiếp cận các khu vực ngập sâu. Từ tâm lũ, các cán bộ, chiến sĩ công an đã đưa hàng trăm người bị nạn đến nơi an toàn. Trong số này có một trẻ sơ sinh ở xã Quảng Hòa - vùng bị ngập sâu hơn 3 m và rất nhiều người già, người tàn tật. Họ cũng đưa 32 người bị gãy tay, chân do mưa lũ đi cấp cứu; đưa 13 sản phụ chuyển dạ đến bệnh viện. Với những điểm bị cô lập, công an còn trắng đêm phát mì tôm, lương khô, nước uống... giúp người dân cầm cự chờ lũ rút.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Cổn, Trưởng Công an xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), kể rằng lúc 1 giờ 30 phút ngày 19-10, khi lũ gần lên đỉnh điểm, nghe tiếng kêu cứu về trường hợp ông Đinh Hữu Sinh (90 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Lộc) bị tai biến nằm liệt giường nhưng nhà bị ngập sâu, công an liền lao đi ứng cứu. Tuy nhiên, nhà ông Sinh nằm sâu trong ngõ nhỏ rất khó kiếm, điện cúp tối om nên các chiến sĩ vừa chèo thuyền vừa hét thật to. Sau hơn 2 giờ, họ mới tiếp cận và giải cứu cả gia đình ông Sinh.
Nghẹt thở nhất là cuộc giải cứu 3 người dân bị nạn trong lũ gồm bà Đinh Thị Xoài (59 tuổi, bị gãy chân), cháu Phạm Tường Vi (4 tuổi, bị gãy tay) và ông Nguyễn Hữu Thắng (55 tuổi, bị gãy xương sườn). Các chiến sĩ vượt hơn 7 km trong dòng nước, dùng bè chuối vận chuyển các nạn nhân. Cuộc giải cứu kéo dài gần 8 giờ mới đưa hết nạn nhân đi bệnh viện.
"Mấy ngày nay, anh em thức trắng đêm, dầm mưa, vượt dòng nước vào vùng rốn lũ cứu người trong khi nước cũng ngập cả trụ sở. Có lúc gần như kiệt sức nhưng nghĩ đến nhiều người đang bơ vơ chống chọi với thiên nhiên, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, chúng tôi động viên nhau phải cố gắng hơn nữa" - thiếu tá Nguyễn Hồng Cổn nói.
Theo thượng tá Lê Văn Hóa, rất nhiều gia đình của cán bộ, chiến sĩ đang bị ngập sâu nhưng họ chưa thể về nhà vì còn làm nhiệm vụ. Với họ, thời khắc cứu dân chính là mệnh lệnh thiêng liêng từ trái tim, thôi thúc họ lên đường.
Bình luận (0)