Ngày 18-5, tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với nguyên Đô đốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, cùng với Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") và 6 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại khu "đất vàng" trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Không ai tham mưu nên làm sai?
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bốn bị cáo bị xét xử về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" gồm: Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng Phòng Kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng Phòng Tài chính QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công ty Hải Thành). Ba bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh).
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa Ảnh: DUY LÚY
Theo cáo trạng, bị cáo Hiến, khi đó là Tư lệnh QCHQ, do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng, đã nhất trí với những đề xuất không đúng quy định của cấp dưới về quản lý đất đai; ký nhiều văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Thành ủy TP, UBND TP HCM xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 Tôn Đức Thắng vào hợp tác kinh doanh trái quy định. Việc này dẫn đến QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát ngân sách 939 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến khai sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì mới rõ 3 khu đất được đưa vào hợp đồng chưa chuyển mục đích làm kinh tế mà vẫn là đất quốc phòng. Về chủ trương chuyển đổi sang mục đích kinh tế bằng văn bản, theo bị cáo Hiến, thể hiện ở quyết định của Thường vụ Đảng ủy QCHQ là văn bản kết luận ngày 13-3-2006 và các văn bản tiếp theo. Thường vụ có 5 lần họp, đưa ra 5 kết luận về nội dung này, đưa 3 khu đất vào làm kinh tế.
HĐXX truy hỏi: "Thường vụ Đảng ủy có quyền quyết định hay có phải xin phép cơ quan nào về việc đưa 3 khu đất này vào làm kinh tế không?". Bị cáo Hiến trả lời: "Thường vụ phải báo cáo với Bộ Quốc phòng và Thủ tướng nhưng rất tiếc, anh em không tham mưu, không ai yêu cầu nên chúng tôi sai".
HĐXX hỏi tiếp: Thường vụ Đảng ủy và bản thân bị cáo có chỉ đạo kiểm tra năng lực của các công ty? Về nội dung này, bị cáo Hiến nói Thường vụ Đảng ủy QCHQ đồng ý theo đề xuất của Công ty Hải Thành và các cơ quan chức năng, còn không có nội dung riêng về kiểm tra năng lực. "Bây giờ rõ ràng chúng tôi đã sai khi tin vào Công ty Hải Thành" - bị cáo Hiến thừa nhận.
Tòa tiếp tục truy hỏi: Vậy khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có ý kiến tại Công văn số 5371 về việc không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bị cáo có chỉ đạo gì với cơ quan chức năng và Công ty Hải Thành? Bị cáo Hiến cũng thừa nhận không trực tiếp triển khai nội dung này.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý khi để xảy ra các sai phạm, bị cáo Hiến thừa nhận thiếu sát sao, quyết liệt. "Nếu sát sao, quyết liệt hơn nữa thì cũng có thể phát hiện được sai sót... Tôi xin nhận khuyết điểm" - bị cáo nói.
Hiểu sai về bản chất
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy QCHQ, các bị can Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QCHQ và trực tiếp tổ chức thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế không đúng quy định về quản lý đất đai.
Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Như Thiềm khẳng định bị cáo tiếp xúc với các dự án này thông qua phiên họp của Thường vụ Đảng ủy QCHQ mở rộng vào ngày 13-3-2006. Bị cáo được giao nhiệm vụ đàm phán về nội dung thương mại, cơ chế thương mại; phối hợp với Phòng Tài chính của QCHQ và Công ty Hải Thành đàm phán về nội dung tiền khoán, thời gian trả tiền khoán.
Theo bị cáo Thiềm, khi thành lập liên doanh, pháp nhân mới, các công ty luật đều khuyên QCHQ không nên góp vốn bằng quyền sử dụng đất và lập pháp nhân mới vì sẽ gây bất lợi cho phía Hải quân nếu trường hợp xấu xảy ra. "Vấn đề này tôi có gửi văn bản kèm theo báo cáo của liên phòng Kinh tế - Tài chính gửi từng đồng chí Thường vụ Đảng ủy QCHQ" - bị cáo Thiềm quả quyết.
Chủ tọa đặt câu hỏi: Trong quá trình thảo luận, có ai phản đối việc lập pháp nhân mới này không? Bị cáo Thiềm nói bị cáo có ý kiến không nên thành lập pháp nhân mới. Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: Theo bị cáo, bản chất của thành lập liên doanh này là gì? Bị cáo Thiềm cho rằng về bản chất, đây là hình thức cho thuê đất. Vào thời điểm ký hợp đồng liên doanh thì 3 khu đất chưa được chuyển quyền sử dụng.
Bị cáo Bùi Văn Nga cũng thừa nhận, khi ký các hợp đồng liên doanh, 3 khu đất chưa được làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng. "Bản thân bị cáo không được đào tạo về kinh tế nên không nắm được, đến khi làm việc, cơ quan điều tra phân tích, bị cáo mới hiểu bản chất là cho thuê đất" - bị cáo Nga thành khẩn.
Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 21-5.
Thoát bồi thường thiệt hại 20 tỉ đồng
Cáo trạng nêu rõ khi ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, các bị cáo không căn cứ vào giá đất được UBND TP HCM quy định, dẫn đến thực hiện việc hợp tác liên doanh góp vốn với giá đất hằng năm tính theo m2 thấp hơn nhiều so với giá nhà nước quy định, gây thiệt hại số tiền hơn 20 tỉ đồng (tính từ ngày 4-9-2006 đến năm 2018). Các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, VKS Quân sự Trung ương xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại này. Do vậy, tại phiên tòa hôm nay, VKS rút nội dung yêu cầu các bị can nêu trên liên đới bồi thường số tiền này.
Bình luận (0)