Sở Y tế TP HCM ghi nhận kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch và xâm lấn tối thiểu trong cấp cứu băng huyết sau sinh của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định là 2 trong 10 thành tựu nổi bật về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu cứu sống người bệnh nặng và nguy kịch năm 2018.
Kỹ thuật "gấu ngủ đông"
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV, cho biết kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch (còn gọi là "gấu ngủ đông") là một kỹ thuật điều trị hồi sức chuyên sâu đòi hỏi đầu tư thiết bị chuyên dụng với chi phí cao. Phương pháp giúp sự hồi phục chức năng não ở bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp, thêm cơ hội sống không tàn phế. Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, BV đã cứu sống hàng chục bệnh nhân nguy kịch, tưởng chừng khó qua khỏi.
Ca bệnh đầu tiên BV cứu sống bằng kỹ thuật này là một Việt kiều tên T. (54 tuổi) bị ngưng tim nhiều lần. Đang tập thể dục buổi sáng, ông T. bỗng đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường. Ông được đưa vào BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ (BS) đã sốc điện, hồi sức tim phổi tích cực song phải mất 30 phút sau, người bệnh mới được phục hồi tuần hoàn và ngay lập tức được chuyển lên BV Nhân dân Gia Định.
Tại đây, ông T. đã 3 lần ngưng tim, ngưng thở. BV đã sử dụng kỹ thuật cao hạ thân nhiệt chỉ huy trong vòng 24 giờ để cứu não người bệnh tránh tình trạng sống thực vật về sau, đồng thời truyền liên tục hàng chục ống adrenaline (hormone kích hoạt tất cả cơ chế và bản năng sinh tồn) vào người. Thân nhiệt người bệnh từ 37 độ C còn 33 độ C, sau đó điều chỉnh tăng dần.
Bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp được thực hiện can thiệp kỹ thuật “gấu ngủ đông”
Theo BS Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch BV Nhân dân Gia Định, với trường hợp này, khi tiếp nhận, động mạch nuôi 60% khối lượng cơ tim đã tắc hoàn toàn. "Chúng tôi đặt stent tái thông mạch vành nhưng bệnh nhân còn sốc tim, tình trạng rất nặng. Ê-kíp điều trị quyết định đặt thêm bóng đối xung động mạch chủ để hỗ trợ sức co bóp cho tim. Tiếp đến hạ thân nhiệt chỉ huy, đông lạnh tất cả tế bào trong cơ thể để giảm sự chuyển hóa, giúp bảo vệ và phục hồi tế bào não… Cuối cùng, bệnh nhân đã qua cơn thập tử nhất sinh" - BS Anh nhớ lại.
Trường hợp nhiều lần ngưng tim nhưng đã qua được nguy kịch như ca bệnh này là rất hy hữu. Việc dùng máy hạ thân nhiệt chỉ huy tuy tốn kém nhưng cứu được người thoát chết trong gang tấc, có thể giúp bệnh nhân giữ được não, không sống thực vật, có đời sống chất lượng cao sau thời gian dài ngưng tim, ngưng thở.
Hồi sinh nhiều bà mẹ bị băng huyết
Đồng thời với kỹ thuật "gấu ngủ đông" cứu người bị biến cố về tim mạch, BV Nhân dân Gia Định đã triển khai ứng dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu trong xử trí cấp cứu băng huyết sau sinh, can thiệp thuyên tắc động mạch tử cung. Nhờ vậy, sản phụ đã hồi sinh bên bờ ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Có hôm chỉ trong một ngày, BV đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp sản phụ bị băng huyết sau sinh. Sản phụ thứ nhất (31 tuổi) mang thai lần 2, được chỉ định mổ lấy thai. Khi chuyển qua hồi sức sau mổ, tử cung bị đờ, được cho thuốc gò tử cung. Tuy nhiên, tình trạng băng huyết vẫn tiếp tục diễn tiến xấu. Trong vòng 5 giờ từ khi mổ, sản phụ mất khoảng 2.400 ml máu, chưa có dấu trụy mạch, tử cung co hồi không tốt dù đã được dùng thuốc. Sau 30 phút thuyên tắc động mạch tử cung, tình trạng băng huyết của sản phụ chấm dứt và phục hồi tốt.
Sản phụ băng huyết sau sinh được Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cứu sống bằng kỹ thuật thuyên tắc động mạch tử cung
Sản phụ thứ 2 khoảng 35 tuổi, được chỉ định mổ lấy thai do vết mổ cũ. Lượng máu mất trong lúc phẫu thuật là 700 ml. 2 giờ sau khi mổ, tình trạng băng huyết vẫn diễn tiến tiếp tục, lượng máu mất tổng cộng 1.500 ml. Dù được chỉ định thuốc gò tử cung, tử cung không co hồi tốt nên có chỉ định thuyên tắc mạch.
Theo ThS-BS Phạm Thị Thu Hương, Trưởng Khối Sản BV Nhân dân Gia Định, băng huyết sau sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mẹ. Điều trị kinh điển trong sản khoa bao gồm các phương pháp bảo tồn khác nhau để điều trị như: thuốc gò tử cung, xoa bóp tử cung, bóng chèn buồng tử cung… Khi điều trị nội khoa thất bại, lúc này mới tính đến can thiệp ngoại khoa. Để triển khai kỹ thuật thuyên tắc động mạch tử cung, BV phải có chuyên khoa can thiệp tim mạch và trang bị hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA.
"Đến nay cũng đã có hàng chục trường hợp băng huyết sau sinh nặng đe dọa tính mạng được BV cứu sống với tỉ lệ cầm máu 100%, không ghi nhận tai biến, biến chứng nặng và vẫn bảo tồn được chức năng sinh sản của sản phụ" - BS Anh Dũng thông tin.
Chi viện cho tuyến dưới
Trong thời gian qua, BV Nhân dân Gia Định cũng hỗ trợ chuyên môn cho BV tuyến dưới cứu nhiều ca bệnh "thập tử nhất sinh" vượt quá tầm tay. Gần đây nhất, BV đã hỗ trợ BV quận 9 cứu sống ngoạn mục một sản phụ bị băng huyết sau sinh.
Đánh giá về sự hỗ trợ của tuyến trên cho tuyến dưới trong trường hợp này, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận định niềm vui của của người bệnh và thân nhân chính là niềm vui chung của cả ngành y tế TP. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ rất nhanh và rất nhịp nhàng của BS, các BV đã cứu sống được người bệnh rất nặng có nguy cơ tử vong cao. "Mong rằng các BV và các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục phối hợp hiệu quả để cứu sống hơn nữa nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tạo niềm tin cho người dân đến BV gần nhất khi không may bị bệnh nặng" - PGS Tăng Chí Thượng nhận định.
Kỳ tới: Ca ghép phổi lịch sử
Bình luận (0)