TAND TP Yên Bái, ngày 20-4, đã tuyên phạt bị cáo Lê Duy Phong (cựu Trưởng Ban Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam) 3 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xử lý giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) theo quy định của điều lệ Đảng. Theo cáo buộc, ông Phong đã chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái) và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh này.
Không triệu tập 26 phóng viên
Tại cơ quan điều tra và phiên tòa xét xử, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại và những tài liệu liên quan; có đủ cơ sở khẳng định Phong đã lợi dụng danh nghĩa trưởng Ban Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam, uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tiền của ông Sáng và ông Thực.
Cựu nhà báo Lê Duy Phong tại phiên tòa Ảnh: HUY THANH
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, cần cách ly khỏi xã hội. Đặc biệt, bị cáo biết việc chiếm đoạt của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố làm, thể hiện sự coi thường pháp luật, tu dưỡng bản thân rất kém. Đây là tình tiết tăng nặng.
Về việc luật sư đề nghị cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ do thành khẩn khai báo và bên bị hại xin giảm nhẹ, tòa cho rằng đề nghị này có cơ sở. Ngoài ra, gia đình bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả, bố đẻ là người có công, nhân thân tốt…. "Tòa cho rằng xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất khung hình phạt cũng đủ để răn đe" - đại diện HĐXX nêu.
Đối với 26 phóng viên được bị cáo Phong khai chia tiền trước đó, HĐXX xét thấy không có đủ cơ sở xác định những người này liên quan nên tòa không triệu tập.
Bị hại xin cho bị cáo
Trước đó, trong phần xét hỏi tại phiên tòa, cựu nhà báo Lê Duy Phong khai nhận toàn bộ số tiền như cáo trạng truy tố. Sau khi nhận 200 triệu đồng từ ông Sáng, Phong tiêu xài hết 130 triệu đồng, số tiền còn lại gửi vào tài khoản cá nhân. "Tôi biết mình vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật" - Phong nói.
Tại phiên tòa, theo người đại diện của ông Sáng, trước khi đưa ra xét xử, bị cáo Phong đã hoàn trả 200 triệu đồng nên ông Sáng đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và có lợi nhất cho bị cáo.
Ông Thực khai trước đó có bài báo đăng về ngôi nhà của ông Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái và có ghi công ty của ông là doanh nghiệp vận tải. Do vậy, khi bài báo đăng thì ông rất lo sợ việc này có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thực nói: "Phong đã thừa nhận hành vi phạm tội nên tôi đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và có lợi nhất cho bị cáo".
Bị cáo Phong vẫn là người của Báo Giáo dục Việt Nam
Chiều 20-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Báo Giáo dục Việt Nam, cho biết Báo Giáo dục Việt Nam hoàn toàn tôn trọng mức án mà tòa đã tuyên đối với Lê Duy Phong. Tuy nhiên, báo vẫn chưa cắt hợp đồng lao động nên hiện Phong vẫn là người của báo, được đóng bảo hiểm và hưởng lương. Nếu Phong kháng cáo thì sẽ còn phiên phúc thẩm nữa, còn không thì báo cũng sẽ giúp đỡ Phong trong thời gian cải tạo. Sau này, khi Phong chấp hành xong mức án thì phía báo sẽ kiểm điểm, xem xét lại sự việc và có quyết định sau. Thời gian qua, phía báo cũng thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư và hợp tác với các luật sư để giúp cho gia đình Phong.
Bình luận (0)