Năm 2005, TP tiếp tục ban hành chương trình "Thành phố 3 có" gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
Qua thực hiện, các chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận hoan nghênh. Trong đó, đến năm 2009, nhiều mục tiêu ban đầu của các chương trình đã thành hiện thực, cùng với đó là nhiều chủ trương, chính sách khác cũng được triển khai mang lại nhiều hiệu quả, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng TP giàu đẹp, văn minh, bền vững.
Nhiều thanh niên dương tính với chất ma túy bị bắt quả tang trong quán karaoke ở TP Đà Nẵng ngày 14-7
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng cũng đối diện với nhiều vấn đề liên quan tệ nạn xã hội, an toàn giao thông (ATGT), an toàn thực phẩm, an sinh xã hội khiến các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân TP hết sức quan tâm, bức xúc. Năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thông qua quyết định ban hành đề án thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" đến năm 2020 gồm: An ninh trật tự, ATGT, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Mục tiêu của chương trình là cân đối các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng TP giàu đẹp, an bình, văn minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm ATGT, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng an sinh xã hội.
Theo báo cáo của UBND TP về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm, từ ngày 16-11-2018 đến 15-5-2019, xảy ra 203 vụ phạm pháp hình sự, giảm 27 vụ so cùng kỳ năm 2018; làm chết 3 người, bị thương 49 người. Trong đó, tội phạm ma túy hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; 67,9% đối tượng phạm tội có sử dụng ma túy. Cùng với đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng, số trường hợp bị phát hiện, xử lý trong kỳ là 1.707, nhiều hơn 22,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong tổng số phát hiện, xử lý, số sử dụng lần đầu là 1.127 trường hợp, số tái nghiện 199 trường hợp, số nghiện mới 161 trường hợp, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 18-30, chiếm 79%. Tình trạng lợi dụng các quán bar, karaoke, dịch vụ lưu trú để sử dụng trái phép chất ma túy còn diễn ra.
Ngành chức năng của TP cho biết trong 7 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện và tập trung 63 người, trong đó có 29 người lang thang, 30 người xin ăn. Số lượng người lang thang xin ăn biến tướng tăng 3% so cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng tình trạng đuối sức của các đề án trên là dễ hiểu bởi có quá nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu do tư tưởng tự thỏa mãn với một số thành tựu ở giai đoạn đầu phát động và tập trung cao độ nguồn lực để triển khai, nhầm lẫn, ngộ nhận giữa đề bài với đáp số, chưa kể yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của từng mục tiêu…
Theo ông Bùi Văn Tiếng, để tiếp tục xây dựng những mục tiêu đã đặt ra, TP Đà Nẵng và lãnh đạo TP phải được tạo điều kiện để nhanh chóng xử lý những bất cập, sai lầm tồn tại từ quá khứ. Tránh tình trạng một bộ phận công chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm. Cần kiên trì theo đuổi mục đích ban đầu của các đề án, đồng thời phải thấy đây là mục tiêu lâu dài, vẫn trên hành trình đi tới chứ chưa phải đã đạt đáp số cuối cùng, mà "đề bài" ngày càng khó hơn, phức tạp hơn. Cần tránh tư tưởng chạy theo thành tích, chạy theo những lời khen hào phóng dễ dẫn đến tự thỏa mãn.
Phải tiếp tục giữ vững
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng việc thực hiện có hiệu quả 2 chương trình "Thành phố 5 không", "Thành phố 3 có" cũng chính là góp phần thực hiện một số mục tiêu chủ yếu của chương trình "Thành phố 4 an". Trong đó, mục tiêu "có nếp sống văn hóa văn minh đô thị" có tác động quyết định đối với mục tiêu ATGT; mục tiêu "không có giết người để cướp của" và mục tiêu "không có người nghiện ma túy trong cộng đồng" có tác động quyết định đối với mục tiêu "an ninh trật tự"... Cho nên, muốn chương trình "Thành phố 4 an" đạt hiệu quả tốt nhất, Đà Nẵng phải tiếp tục giữ vững và nâng cao tính bền vững của 2 chương trình "Thành phố 5 không", "Thành phố 3 có".
Bình luận (0)