Ở khu vực Suối Lương thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) có hơn 10 điểm, khu du lịch tự phát chủ yếu thu hút du khách tới vui chơi, tắm suối, chụp ảnh. Tuy nhiên, để làm du lịch, các hộ kinh doanh đã bất chấp, chặn dòng chảy của Suối Lương để phục vụ du khách.
Rầm rộ chặn dòng suối
Đường Suối Lương dài hơn 2 km hiện có nhiều khu du lịch ở dọc hai bên đường, hầu hết là tự phát. Đáng chú ý, các khu du lịch ở bên phải đường Suối Lương, nơi có dòng nước Suối Lương chảy qua, phần lớn được đắp bê-tông, chặn dòng để phục vụ du khách đến tắm. Theo ghi nhận, các hộ kinh doanh tại đây dùng đá lớn và bê-tông để chặn dòng chảy của suối, tạo thành các hồ nước. Tại Khu Du lịch sinh thái Suối Lương (Hải Vân Park), chủ đầu tư đang thực hiện cải tạo các hạng mục hai bên bờ suối. Cùng với đó, công nhân cũng thi công đắp đập chặn dòng.
Theo một nữ nhân viên đang làm việc tại đây, sau cơn mưa lũ lịch sử của Đà Nẵng xảy ra vào tháng 10-2022 thì khu du lịch bị hư hỏng nặng nề, đất đá đổ xuống cùng với sạt lở cuốn trôi nhiều hạng mục. Hiện chủ khu du lịch đang cho xây dựng lại một khu lưu trú và cải tạo lại hai bên bờ suối.
Một số điểm du lịch bên trên Khu Du lịch sinh thái Suối Lương cũng chặn dòng suối để tạo thành các hồ nước nhằm thu hút khách tới tắm mát. Chính vì Suối Lương bị chặn dòng nên xuất hiện tình trạng ô nhiễm, đồng thời phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, bức tử dòng suối. Một người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc cho hay suối bị chặn dòng chảy dẫn đến tình trạng khi trời mưa lũ, nước đổi dòng gây sạt lở, ảnh hưởng đến các nhà dân và đường dây điện cao thế xung quanh.
Còn ở phía bên trái tuyến đường Suối Lương hiện nay đang nở rộ kiểu du lịch tự phát với các khu dành cho du khách check-in như Dreamer in the forest, Sunny Farm… Những khu này chủ yếu dựng lều trại, trồng thảm cỏ, nuôi thú… cho khách đến tham quan, chụp ảnh.
Khu Du lịch Suối Lương chặn dòng suối bằng bê-tông
Sẽ tháo dỡ phần bê-tông chặn suối
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết khu vực Suối Lương có tổng cộng 11 điểm du lịch tự phát và 1 khu du lịch được UBND TP Đà Nẵng cấp phép là Khu Du lịch sinh thái Suối Lương thuộc Công ty CP Danatol. Theo ông Nhơn, việc xây dựng du lịch tự phát ở đây chủ yếu do "lịch sử để lại". Phần lớn các hộ kinh doanh tự ý thực hiện, dựng lều, quán và chặn dòng suối.
Ông Nhơn cũng cho hay sau đợt mưa lũ tháng 10-2022, chính quyền địa phương dứt khoát không cho các hộ kinh doanh ở đây chặn dòng suối và thi công bất cứ hạng mục nào vì khu vực này nằm trong diện tích đất rừng sản xuất.
Đối với việc các khu, điểm du lịch thực hiện chặn dòng suối như tại Khu Du lịch sinh thái Suối Lương và các khu vực khác, ông Nhơn khẳng định việc làm này là sai quy định. Việc này là do người dân lén lút thực hiện chứ phường hoàn toàn không cho phép. Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã chỉ đạo cấp dưới ngay lập tức đi kiểm tra và thực hiện tháo dỡ, trả lại hiện trạng cho Suối Lương.
Theo ông Nhơn, Suối Lương là nơi có tiềm năng phát triển du lịch nên phường đã xin chủ trương của quận, thuê chuyên gia tư vấn về việc xây dựng kinh doanh du lịch mà không ảnh hưởng đất rừng để phù hợp quy hoạch và các quy định liên quan. "Địa phương cũng mong muốn UBND TP Đà Nẵng có chủ trương để phát triển du lịch tại đây một cách phù hợp" - ông Nhơn đề xuất.
Chấn chỉnh khu du lịch thu phí trái phép
Ông Hà Thúc Nhơn cho biết phường đã kiểm tra thực tế tại Khu Du lịch Dreamer in the forest ở Suối Lương.
Theo ông Nhơn, người dân và du khách phản ánh khu du lịch này thu phí 100.000 đồng/khách khi vào cổng tham quan, chụp ảnh. Phường đã kiểm tra và chấn chỉnh, yêu cầu chủ khu du lịch trên ngừng thu phí. "Bởi khu du lịch này là khu du lịch tự phát, không được chính quyền cho phép. Vì vậy, việc tổ chức thu phí vào cổng đối với du khách là sai quy định. Chúng tôi đã yêu cầu họ dừng việc này" - ông Nhơn nói.
Bình luận (0)