Chiều 27-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết sở đã dừng việc đưa tên 2 giáo sĩ có công hình thành chữ Quốc ngữ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) vào đề án đặt, đổi tên đường trên địa bàn.
Theo ông Hùng, sở dĩ dừng đưa tên 2 giáo sĩ này vào đề án đặt, đổi tên đường là do có nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, khi ban hành đề án và lấy ý kiến, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã tiếp nhận các ý kiến ủng hộ và phản đối qua các kênh như thư tay, điện thoại, website của sở…
Trong khi đó, Nghị định 91 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt, đổi tên đường quy định: Đối với những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Ông Hùng cho hay việc lấy tên 2 giáo sĩ nêu trên đặt tên đường phải dừng lại và "chưa biết khi nào đưa ra". Theo quy định, trước khi đặt tên đường vẫn phải lấy ý kiến và nếu trái chiều thì không thể đưa ra kỳ họp HĐND. Quyền đặt tên đường là do HĐND từng địa phương quyết định.
Sở dĩ TP HCM đã đặt tên đường Alexandre de Rhodes là do HĐND TP này thông qua, còn TP Đà Nẵng thì chưa thể đưa ra HĐND với lý do như nêu trên.
Theo ông Hùng, về phía sở thì việc đặt tên đường chiếu theo quy định hiện hành. "Riêng cá nhân tôi thì xét thấy việc phản đối dùng tên 2 giáo sĩ này đặt tên đường là chưa thuyết phục" – ông Hùng nói.
Trước đó, vào đầu 10-2019, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến dự thảo đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng trên địa bàn năm 2019. Đề án dự kiến đưa tên 2 giáo sĩ (linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes để đề nghị đặt tên cho hai tuyến đường ở khu Đông Nam đài tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, 2 giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có công rất lớn trong quá trình tạo ra chữ quốc ngữ, góp phần giúp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi Sở Văn hóa và Thể thao TP lấy ý kiến nhân dân, một số cán bộ hưu trí đã nêu quan điểm không đồng ý với việc đặt tên đường cho hai giáo sĩ vì cho rằng quá trình chế tác chữ Quốc ngữ của những giáo sĩ này gắn với quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Theo ông Hùng, việc đặt tên đường mang tên 2 giáo sĩ nên nhìn ở khía cạnh đóng góp của họ cho chữ Quốc ngữ. "Khi đã có những khoảng lùi về lịch sử, mình cũng nên xem xét để tôn vinh những đóng góp của họ cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam" - ông Hùng nhìn nhận.
Vào tháng 12 tới, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội thảo 100 năm tôn vinh chữ Quốc ngữ. Tại đây, các chuyên gia sẽ tiếp tục đánh giá về những cống hiến của hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes nhằm giúp dư luận có cái nhìn khách quan hơn.
Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2019 dự kiến trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp vào tháng 12 tới. Tại Đà Nẵng, nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng đã được thành phố đặt tên đường.
Bình luận (0)