Ngày 11-7, trong phiên thảo luận tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu đã dành thời gian cho ý kiến tháo gỡ về những vướng mắc khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng.
Các lô trên đường Lê Đức Thọ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng nằm trong diện phải thu hồi để chỉnh sửa thời hạn sử dụng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Trong đó, ĐB Huỳnh Minh Chức đã thẳng thắn nhận định kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa khả thi, chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân vì chưa xem xét toàn diện các yếu tố lịch sử.
Theo ĐB này, kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng phải thu 10%, giãn tiền sử dụng đất, đồng thời thay đổi thời hạn sử dụng từ lâu dài sang 50 năm. "Sở dĩ Đà Nẵng có được diện mạo theo hướng văn minh hiện đại như ngày hôm nay, phải nhận định rằng, lãnh đạo các nhiệm kỳ trước dù có những khuyết điểm nhưng đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, đề ra những chủ trương đúng, kịp thời có những giải pháp mang tính đột phá đi trước, đón đầu. biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có" – ĐB Chức khẳng định.
Đại biểu Huỳnh Minh Chức
Theo ĐB Chức, đồng thuận là bài học hơn 20 năm qua của Đà Nẵng, tình hình an ninh chính trị luôn ổn định, xây dựng thế trận lòng dân. Trong hơn 20 năm, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa hơn 110.000 hộ dân để thực hiện chỉnh trang đô thị và hiện nay còn hơn 8.000 hộ nghèo đang nợ tiền sử dụng đất với Nhà nước.
"Giờ Nhà nước có chủ trương nếu quá thời hạn mà không trả nợ thì khi phải trả theo giá đất mới được ban hành. Hiện nay giá đất cao hơn rất nhiều lần thậm chí hàng chục lần thì hộ nghèo làm sao trả được rồi hộ nghèo sẽ càng nghèo thêm" – ĐB Chức nói.
Cũng theo ĐB này, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đang tập trung quyết liệt trong việc thu hút đầu tư. Chính vì vậy thu hồi giấy chứng nhận sử dụng đất đã cấp đối với đất có mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ lâu dài sang 50 năm và nộp tiền thất thu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thực sự gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Việc làm trên cũng đồng thời ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. "Chủ trương thì không thống nhất thì làm sao TP thu hút đầu tư để tăng trưởng bền vững đc. Cho dù TP đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng nhưng tình hình sử dụng đất đai luôn bấp bênh, rủi ro, thì khó mà thu hút đầu tư vào TP" – ĐB Chức đặt vấn đề.
Trên cơ sở đó, ĐB này đề nghị HĐND TP Đà Nẵng có nghị quyết đồng hành cùng với UBND TP kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo cơ chế đặc thù, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên theo nguyện vọng của hơn 8.000 hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất và các doanh nghiệp theo hướng không truy thu 10% giảm tiền sử dụng đất.
"Giữ nguyên mức giá nợ cũ theo giá vàng trước đây và không điều chỉnh thời gian giao đất bởi vì luật đất đai không quy định điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng lâu dài với mục đích đất cơ sở kinh doanh mà người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện đăng ký biến động về đất đai do chuyển quyền thì không thu hồi giấy chứng nhận. Do đó các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật nên cần phải bảo vệ quyền lợi" – ĐB Chức đề xuất.
Bình luận (0)