Theo công văn này, một số hạng mục đầu tư xây dựng nhiều năm, do thời tiết khắc nghiệt và lũ quét đã xuống cấp nghiêm trọng. Huyện ủy Hương Sơn đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tạo điều kiện giúp đỡ ngân sách, cụ thể như sau: sửa chữa nhà xe công vụ: 700 triệu đồng; nhà xe CB-CNV cơ quan: 700 triệu đồng; tu sửa tường rào cơ quan: 500 triệu đồng; sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh cơ quan: 1 tỉ đồng; sửa chữa, nâng cấp phòng khách cơ quan: 400 triệu đồng. Tổng kinh phí đề nghị là 3,2 tỉ đồng.
Trụ sở Huyện ủy Quan Hóa nhìn vẫn đang còn mới, khang trang - Ảnh: TUẤN MINH
Trước đó không lâu cũng có trường hợp tương tự ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dù huyện này đã được cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp lại một số hạng mục, song UBND huyện vẫn làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí xây dựng mới trụ sở huyện ủy, dự toán hơn 30 tỉ đồng. Trả lời báo chí, một lãnh đạo huyện ủy cho rằng công sở có tuổi đời hơn 30 năm, đã xuống cấp nên cán bộ nơi đây làm việc rất vất vả. Hơn nữa, một số nguyên lãnh đạo các huyện về hưu cũng mong muốn xây dựng lại trụ sở cho xứng tầm và huyện cũng là nơi thường đón những đoàn khách ở các tỉnh đi công tác ghé qua...
Lâu nay, tình trạng địa phương thì nghèo nhưng trụ sở xây dựng bề thế, phô trương sự xa hoa đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhiều địa phương còn bày vẽ ra các dự án, công trình tốn kém hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Dù mục đích không gần gũi với việc phục vụ dân sinh, không được dân chúng tán đồng song họ vẫn cố xây cho được công trình. Điều cần quan tâm nhất là đời sống người dân đã khá giả chưa, có cần thiết xây trụ sở thật to không, lại ít được xem xét thấu đáo.
Sẽ thật phản cảm khi nhà cửa dân cư còn lụp xụp, dân còn chưa thoát nghèo mà trụ sở làm việc thì hoành tráng, trang bị toàn vật dụng đắt tiền. Giữa năm 2018, tỉnh Hà Giang với 6/11 huyện còn trong diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 50,18%, tỉnh thường xuyên nhận gạo Chính phủ hỗ trợ cứu đói cho dân lại đề xuất trung ương cấp tiền xây mới trụ sở trung tâm hành chính với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 1.000 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn từ chối đề nghị này của tỉnh. Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết nếu văn bản của huyện Quan Hóa có lên đến thì tỉnh cũng không đồng ý. Tỉnh đang ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng sâu, vùng xa nên quan điểm của tỉnh sẽ không thống nhất về việc này - một vị lãnh đạo tỉnh nói rõ.
Với vụ việc ở huyện Hương Sơn, nếu thực sự công trình xuống cấp nặng thì cũng nên sửa chữa vì không thể để trụ sở cơ quan lãnh đạo của huyện lại nhếch nhác được. Song nếu công trình nào còn khang trang, trang thiết bị còn sử dụng được thì không nên phá bỏ, thay mới. Đồng thời dự toán kinh phí phải thật sát, không lãng phí ngân sách nhà nước, mà nói thẳng ra là tiền thuế của dân.
Dân còn nghèo mà trụ sở xa hoa thì làm sang với ai? Hãy lo cho dân sống đời sung túc thì không cần phô trương vẫn được dân thương mến, là giá trị bền vững trường tồn.
Bình luận (0)