Ngày 31-8, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước.
Hai nguyên thứ trưởng đã ra tù
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đã công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021, nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết trong số 3.026 phạm nhân được đặc xá đợt này có 283 phạm nhân thuộc án xâm phạm về quản lý kinh tế và chức vụ. Những phạm nhân này đã nộp 24 tỉ đồng bồi hoàn dân sự, riêng phạm nhân Trần Khắc Hiệp (nguyên trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn) tại trại Thanh Xuân (Hà Nội) đã nộp nhiều nhất là 10 tỉ đồng. Tổng số hơn 3.000 phạm nhân đặc xá đợt này đã bồi thường án dân sự tổng số tiền là 80 tỉ đồng. Hai nguyên thứ trưởng Bộ Công an là ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đã thi hành xong án phạt tù, không thuộc phạm nhân đặc xá lần này.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, thông tin về Quyết định đặc xá năm 2021
Ông Phạm Thanh Hà khẳng định trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo, Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá cho những phạm nhân có quá trình cải tạo lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và xã hội. Đặc xá năm 2021 tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Bảo đảm nghiêm minh, chặt chẽ
Ông Phạm Thanh Hà cho biết quá trình xét quyết định đặc xá đều được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật. Quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nên số phạm nhân được đặc xá ít hơn so với các lần trước đây.
"Chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là "nghiêm trị", kết hợp với "khoan hồng". Chính vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống. Đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của Đảng, Nhà nước Việt Nam và tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt" - ông Hà nói.
Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá, tha tù trở về nơi cư trú, gồm cả những phạm nhân được đặc xá và phạm nhân hết hạn tù, sớm hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức nhiều lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2021; tổ chức học nghề, học tập về kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh - sản xuất, xóa đói giảm nghèo...
Bảo đảm phòng chống dịch Covid-19
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã ban hành phương án tổ chức tha phạm nhân được đặc xá năm 2021. Theo đó, việc tha phạm nhân đặc xá phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm phòng chống dịch Covid-19; tuyệt đối không để dịch lây lan vào các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân không về được nơi cư trú hoặc vi phạm quy định phòng chống dịch.
Từ năm 2009 đến 2016, Việt Nam có 6 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho gần 90.000 phạm nhân. Đa số người được đặc xá trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, tỉ lệ tái phạm thấp.
Bình luận (0)