Sáng 8-12, kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ.
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết chất vấn gần đây có hiện tượng rau không sạch đi vào siêu thị, núp bóng rau sạch để tới tay người dân. Vậy Giám đốc Sở Công Thương suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp nào được đưa ra để tăng niềm tin của người dân đối với các điểm mua sắm?
Theo đại biểu Tuyết, hiện nay người dân có thói quen đi chợ trong các siêu thị, đặc biệt là các bà nội trợ. Tuy nhiên, niềm tin của họ vào hệ thống phân phối này đã bị lung lay bởi một số vụ việc thời gian qua.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn đại biểu; Ảnh: Nguyễn Phan
Trả lời, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được TP HCM chú trọng. Thành phố đã thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Ông cũng cho biết thời gian qua địa bàn ghi nhận các phản ánh về rau không sạch, không đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap nhưng vẫn dán nhãn để vào hệ thống phân phối.
Theo ông, thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân người cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy định, cơ quan quản lý chưa kiểm tra, giám sát kịp thời.
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thường xuyên làm việc, nhắc nhở các chuỗi hệ thống phân phối. Mặt khác, chúng ta cũng cần các quy định về tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc từ việc sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Hiện nay, chúng ta chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc"- Giám đốc Sở Công Thương nêu quan điểm.
Ông Vũ cũng thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, với kinh nghiệm nhiều năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo chuẩn bị hàng hóa trong điều kiện thích ứng an toàn.
TP HCM có khoảng gần 12 triệu người dân làm việc và sinh sống nên nhu cầu hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa cho thành phố lớn, đến dịp Tết tăng 15-30%.
Nguồn hàng được đưa về TP HCM qua nhiều kênh, trong đó có 2 nhóm chính: trung tâm siêu thị chiếm 25-30%, kênh còn lại qua các vựa, chợ đầu mối chiếm 70%. "Nguồn hàng Tết dồi dào với khoảng 34.000 tấn hàng hóa phục vụ cho dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, nhóm lương thực có tăng giá với mức 2-4%. Với mức này chưa phải điều chỉnh giá bình ổn"- Giám đốc Sở Công Thương thông tin.
Tình hình xăng dầu dần ổn định
Giám đốc Sở Công Thương cho biết thành phố có 549 cửa hàng bán lẻ, 61 cửa hàng nhập khẩu và 16 tư nhân phân phối.
Thời gian qua, việc tiếp cận xăng dầu của doanh nghiệp phân phối có gián đoạn. Nguyên nhân chính là do nguồn cung hàng ở Việt Nam phụ thuộc vào thị trường quốc tế; chi phí logistics gia tăng; giá cơ sở chưa phù hợp dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh bị lỗ.
Theo thống kê, 37 cửa hàng bán lẻ xăng dầu vừa qua không nhập được hàng phải tạm ngưng. TP HCM đã kiến nghị Trung ương các giải pháp quan trọng trong điều hành, tháo gỡ phù hợp.
Đến nay tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP HCM đã được cải thiện rõ rệt. Ngày hôm qua có 7 cây xăng xin phép sửa chữa, 5 cửa hàng còn thiếu xăng trong hoạt động kinh doanh.
Bình luận (0)