xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại biểu Quốc hội thảo luận về đề xuất trang bị máy bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động

Minh Chiến - Văn Duẩn

(NLĐO)- Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét các quy định về trang bị phương tiện cho lực lượng cảnh sát cơ động.

Ngày 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Theo tờ trình của Chính phủ trước đó, nội dung cơ bản của dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ.

Cụ thể, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ cho CSCĐ, đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về đề xuất trang bị máy bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động - Ảnh 1.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai thảo luận tại hội trường sáng 26-10 -Ảnh: Quochoi.vn

Quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ tại, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ, gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Dự thảo luật bổ sung, làm rõ các quy định liên quan hoạt động của CSCĐ gồm: Xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.

Thảo luận trực tuyến, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động. Đại biểu Trần Đình Chung (đoàn TP Đà Nẵng) nêu rõ, những năm gần đây, hoạt động chống phá, biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng… có những diễn biến khó lường và gia tăng hơn.

Trước tình hình đó, lực lượng CSCĐ đã phát huy vai trò rất lớn. Trong giải quyết ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt. "Vì vậy việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay cho pháp lệnh CSCĐ là rất cần thiết và quan trọng"- đại biểu Chung nêu quan điểm.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cũng đồng tình khi nhấn mạnh, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng công an nhân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của CSCĐ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới.

Tại Tờ trình Chính phủ, hệ thống tổ chức của CSCĐ được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật. Chính phủ xây dựng hai phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Phương án 1, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng tác chiến đặc biệt, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh CSCĐ năm 2013.

Hai lực lượng bổ sung là lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu, hiện đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các Đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Bộ trưởng Công an sẽ quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân năm 2018.

Về hệ thống tổ chức của CSCĐ nêu trên, đại biểu Võ Văn Hội (đoàn Bến Tre) ủng hộ phương án thứ nhất. Nếu trong trường hợp sử dụng phương án 2, đại biểu Hội đề nghị ban soạn thảo xem xét lại cơ cấu lực lượng của CSCĐ ở điểm lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thuỷ.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai tán thành quy định của dự thảo luật, bao gồm Bộ tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về cơ cấu lực lượng cảnh sát cơ động, vị đại biểu cho rằng không nên quy định cụ thể trong luật do cơ cấu này có thể thay đổi, điều chỉnh tùy theo yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, các lực lượng cảnh sát cơ động theo phương án 2 thực chất chỉ là các đơn vị thành phần tương ứng với từng vị trí công việc của CSCĐ.

"Các tổ chức này là các đơn vị nằm trong Bộ Tư lệnh CSCĐ nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật Công an nhân dân năm 2018, các nội dung này thuộc thẩm quyền quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, đề nghị dự thảo quy định về hệ thống tổ chức của CSCĐ theo phương án 1"- ĐB Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm.

Điều 21 của dự thảo luật về trang bị của CSCĐ nêu: "CSCĐ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao".

Về nội dung này, đại biểu Võ Văn Hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét khi quy định "tàu bay", bởi quy định như vậy sẽ bao hàm rất lớn. Trong trường hợp được trang bị, ông Hội đề nghị quy định rõ là máy bay trực thăng.

Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, quy định về trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi lực lượng phòng không không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển. "Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ"- ông Hòa nói và đặt vấn đề về ngân sách khi trang bị các phương tiện này.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về đề xuất trang bị máy bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh tranh luận về đề xuất trang bị phương tiện là máy bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động - Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, CSCĐ là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự, do vậy, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an trong lĩnh vực này. "Không thể nói là vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị cho lực lượng cảnh sát cơ động. Nếu như, lực lượng này ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn, trật tự an ninh quốc gia thì không thể đong đếm bằng tiền được"- ĐB Thịnh cho hay.

Tranh luận về nội dung nay, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) cho biết, theo các quy định của quốc tế, lực lượng cảnh sát sẽ thực hiện các nhiệm vụ trong trường hợp xảy ra các xung đột về dân sự ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, quốc gia.

"Trong tờ trình của Chính phủ đã đánh giá và dự báo xu thế các hiện tượng về bạo loạn, biểu tỉnh trái pháp luật đã ảnh hưởng một phần nào đó đến an ninh quốc gia. Nếu không trang bị cho cảnh sát cơ động quyền, phương tiện này để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia thì sẽ rất khó khăn"- ĐB Đức nhấn mạnh.

Một số ý kiến tại phiên thảo luận đã đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi thực hiện nhiệm vụ CSCĐ nhằm tránh chồng chéo với các lực lượng khác. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, quy định về chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ còn chồng chéo với các lực lượng khác, đề nghị cơ quan soạn theo điều chỉnh về nội dung này.

Tại buổi thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, các kiến nghị của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về huy động người, phương tiện và các nội dung liên quan để không chồng chéo với các lực lượng khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo