Như Báo Người Lao Động số ra ngày 29-8 đã phản ánh trong bài "Đại dự án Chi Lăng về đâu?", để có cách ứng xử tối ưu với trường hợp này, không thể dùng biện pháp hành chính, "cơ học".
Phải nói rằng việc chính quyền TP Đà Nẵng ngỏ ý muốn "mua" lại dự án Chi Lăng là một hướng đi tích cực. Tuy nhiên, việc "mua" lại phải tuân thủ các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và bán đấu giá tài sản thi hành án. Bởi lẽ, hiện nay toàn bộ quyền sử dụng đất đối với dự án này đang là đối tượng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên để bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Khi giải quyết vụ án, TAND các cấp tiếp tục duy trì việc kê biên để bảo đảm cho việc thi hành án. Như vậy, phải xác định quyền sử dụng đất này đang là đối tượng thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Việc xử lý tài sản phải căn cứ vào phán quyết của bản án có hiệu lực pháp luật và quy định của pháp luật thi hành án dân sự (THADS).
Chính quyền Đà Nẵng lẫn chủ đầu tư đều sốt ruột vì dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng (dự án Chi Lăng) bế tắc kéo dài Ảnh: BÍCH VÂN
Theo điều 1 và điều 2 Luật THADS hiện hành, những quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật là đối tượng điều chỉnh của Luật THADS nên phải tuân thủ trình tự, thủ tục của luật này khi xử lý tài sản bị kê biên. Như vậy, muốn xử lý tất cả vấn đề có liên quan về phần quyết định dân sự trong các bản án đã có hiệu lực pháp luật của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm thì phải áp dụng Luật THADS hiện hành.
Đối với những tài sản đã bị kê biên, nếu cơ quan THADS tiếp tục ra quyết định kê biên để thi hành án thì cần phải xem xét, định giá lại theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án nếu một trong các đương sự có yêu cầu hoặc giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án có sự thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá trị tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (điều 59 Luật THADS, điều 17 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật THADS).
Theo điểm đ, khoản 1, điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017), "tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự" là tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và phải qua tổ chức bán đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản và điều 101 Luật THADS.
Trở lại với phần đất có diện tích hơn 55.061 m2 của dự án Chi Lăng thuộc quyền sử dụng của Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên, bắt buộc phải xử lý theo quy định của Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản. Khi tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án, cơ quan THADS có thẩm quyền phải tiến hành định giá lại giá trị khu đất dự án sân Chi Lăng theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án.
Việc chính quyền TP Đà Nẵng muốn "mua" lại theo mức giá áp cho Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2010 cộng lãi suất ngân hàng là không thể được. Việc quyết định giá bán như thế nào, trong trường hợp này không thuộc thẩm quyền của Tập đoàn Thiên Thanh mà do cơ quan THADS trưng cầu tổ chức định giá tài sản tiến hành định giá. Do vậy, UBND TP Đà Nẵng nếu muốn "mua" lại khu đất này thì phải tham gia đăng ký đấu giá tài sản. Trong phiên đấu giá, UBND TP Đà Nẵng nếu là bên trả giá cao nhất thì sẽ được công nhận trúng đấu giá.
Đối với Tập đoàn Thiên Thanh, nếu muốn tiếp tục dự án thì bắt buộc phải thương lượng với bên được thi hành án là Ngân hàng Xây dựng về nộp tiền khắc phục hậu quả đối với khoản tiền mà Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại theo phán quyết của bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu hai bên thống nhất khoản tiền phải khắc phục hậu quả, Tập đoàn Thiên Thanh phải nộp đủ tiền để thi hành án. Khi ấy cơ quan THADS có thẩm quyền sẽ ra quyết định giải tỏa kê biên (nếu không còn thực hiện nghĩa vụ nào khác) thì Thiên Thanh mới có thể tiến hành các thủ tục cần thiết để tiếp tục thực hiện dự án.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI (Đoàn Luật sư TP HCM):
Cần sớm tổ chức cuộc họp giữa các bên
Ở góc độ là người bào chữa cho ông Phạm Công Danh, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị gửi lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và địa phương về trường hợp dự án Chi Lăng. Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 2525/TCTHADS-NV2 ngày 13-7-2018 phản hồi chúng tôi, trong đó ghi nhận kiến nghị của các luật sư về việc cần có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho Tập đoàn Thiên Thanh triển khai thực hiện thỏa thuận với đối tác nước ngoài có khả năng đầu tư vào dự án này, giải quyết được sự trì trệ kéo dài tại trung tâm TP Đà Nẵng.
Chúng tôi cũng đã có văn bản chính thức gửi Thường trực HĐND và UBND TP Đà Nẵng kiến nghị tổ chức cuộc họp giữa các ngân hàng đang nắm giữ hồ sơ pháp lý của dự án Chi Lăng, đại diện Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, Cục THADS TP HCM và Cục THADS TP Đà Nẵng nhằm xem xét, thảo luận, cân nhắc về phương án xử lý dự án phù hợp với thực tế khách quan, đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi thật sự mong muốn cuộc họp này được diễn ra để trình bày và làm rõ các vấn đề pháp lý cũng như thực tế phát sinh, hy vọng các vấn đề vướng mắc trong quá trình xử lý dự án này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:
Phải qua bán đấu giá phát mãi tài sản
Nếu chính quyền TP Đà Nẵng kiên quyết "mua" lại phần đất tại dự án Chi Lăng để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng thì có thể xem xét đến phương án liên hệ với thi hành án phát mãi bán đấu giá quyền sử dụng đất. Khi đó, UBND TP Đà Nẵng sẽ là bên được ưu tiên mua lại. Với trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản trên địa bàn và quyền điều chỉnh quan hệ pháp luật trên phạm vi địa bàn, chính quyền TP Đà Nẵng dễ đàm phán, thỏa thuận với các bên hơn để "mua" lại, đồng thời Đà Nẵng cũng cần xây dựng một đơn vị chuyên biệt để nghiên cứu, theo dõi sát sao vụ việc này để kịp thời có phương án giải quyết tối ưu.
H.Nhung ghi
Bình luận (0)