Sáng 14-10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra phiên trù bị dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Dự phiên trù bị có ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng.
Tại phiên trù bị, các đại biểu đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 14 người, Đoàn Thư ký gồm 5 người; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 6 người. Các đại biểu cũng đã thông qua chương trình làm việc tại đại hội.
Dấu mốc quan trọng
Phát biểu tại phiên trù bị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần này diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện cao nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước. Nhìn lại quá trình TP chuẩn bị đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ - ngành trung ương quan tâm, góp ý cho dự thảo văn kiện; đồng thời lưu ý Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI phải là đại hội tiêu biểu của cả nước, là dấu mốc quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của TP.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhắn nhủ TP HCM là địa phương duy nhất cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, do vậy TP phải có sự phát triển xứng đáng với tên gọi và niềm tự hào thiêng liêng đó. "Đại hội lần này là dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn mới, khí thế mới cho TP" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Các đại biểu thông qua chương trình làm việc tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM khóa XI Ảnh: BAN TỔ CHỨC
Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là nhiệm kỳ mà Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã nỗ lực kiến nghị Trung ương nhiều cơ chế, chính sách tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP. Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI sẽ tập trung thảo luận các chương trình đột phá liên quan đến thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…
Nói về 4 chương trình phát triển TP HCM 2020-2025/2030, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết trước khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP diễn ra, TP đã khởi động quá trình nghiên cứu các nội dung đột phá. Từ 3 nội dung đột phá của cả nước, TP đã nghiên cứu, vận dụng xác định 3 chương trình đột phá cho TP cùng với 1 chương trình trọng điểm. Theo Bí thư Thành ủy, có 51 đề án để thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm này. "Chưa bao giờ chúng ta bước vào đại hội mà các chương trình hành động trong 5-10 năm tới đã được vạch ra chi tiết, cụ thể đến như vậy" - ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.
Gửi gắm đến các đại biểu trước ngày khai mạc chính thức đại hội, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói TP đang bước vào giai đoạn mới có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của TP và đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Bí thư Thành ủy yêu cầu Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI phải là một đại hội của dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của toàn dân. Những vấn đề mong muốn của người dân TP phải được đưa vào thảo luận, làm cơ sở cho những chủ trương, quyết sách mới. Đảng bộ, đảng viên và người dân TP có truyền thống kiên cường vượt khó, năng động sáng tạo, đoàn kết. Những giá trị này chính là tài sản để TP bước vào nhiệm kỳ mới với sức bật mới, mang tới nhiều thành quả tốt đẹp.
Thực hiện nhiều nhiệm vụ để phát triển TP
Theo đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, một trong những mục tiêu của TP HCM thời gian tới là phải xây dựng TP trở thành một TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, là động lực tăng trưởng của vùng. Đối với ngành công thương, đây là những định hướng để ngành sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục có điều kiện phát triển, đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của TP.
"Để thực hiện những nhiệm vụ này, TP cần huy động các nguồn lực đầu tư để trở thành một trung tâm logistics mạnh của khu vực phía Nam và cạnh tranh với các nước trong khu vực, từ đó góp phần gia tăng về kim ngạch xuất nhập khẩu, phục vụ tiêu dùng nội địa, thương mại điện tử... Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu phần mềm, sản phẩm nội dung số. Hoàn thiện chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, có lợi thế cạnh tranh làm nền tảng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp (DN) TP tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Những giải pháp này cũng cần phải đặt trong bài toán liên kết vùng của TP với các tỉnh lân cận và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu ý kiến.
Nói về Chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP, đại biểu Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng để TP HCM phát triển trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cần có sự đột phá từ chính sách đến tầm nhìn, không chỉ nỗ lực từ TP HCM mà cần sự ủng hộ của các bộ, ngành. "Ngoài ra, TP HCM cần bảo đảm nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đặc biệt là chuyên gia quốc tế. Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan; điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, độ tin cậy cao..." - ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Trao đổi với phóng viên về nhiệm vụ của Công đoàn TP trong thời gian tới, đại biểu Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, nhấn mạnh LĐLĐ TP sẽ kiên trì đề xuất đổi mới thực chất tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả tập hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng, xây dựng đội ngũ, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Việc đổi mới tổ chức đặt trọng tâm vào yêu cầu bao quát theo đặc thù của từng đối tượng lao động, tăng cường năng lực kết nối và tương tác trực tiếp giữa tổ chức Công đoàn với người lao động, với cộng đồng DN, với các cơ quan chức năng, xây dựng quan hệ lao động phù hợp trong điều kiện mới.
Ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh: "Công đoàn TP triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý để không chỉ nâng cao hiệu quả điều hành hoạt động mà còn là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển, của xu thế vận động xã hội. Điều này cũng giúp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Công đoàn, tổ chức phong trào trong tình hình mới một cách kịp thời, linh hoạt trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động".
Đi đầu trong đổi mới sáng tạo
Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, TP HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500-9.000 USD.
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP bình quân hằng năm từ 8%-8,5%, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500-9.000 USD/người; đến năm 2025, tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc; đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP HCM. Ngoài ra, đến cuối năm 2025, đạt tỉ lệ 21 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/ 10.000 dân; tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học; giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người...
Bốn chương trình phát triển TP HCM
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển TP HCM giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và 24 chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP HCM đã xây dựng và thực hiện 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm phát triển TP.
Đối với Chương trình đột phá đổi mới quản lý, Đảng bộ TP đưa ra mục tiêu chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TP phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP phù hợp nhu cầu và phát huy các nguồn lực, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và ngân sách chung của cả nước. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân TP tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.
Để thực hiện Chương trình đột phá đổi mới quản lý, TP xây dựng 13 đề án và 1 chương trình. Đáng chú ý có Đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững; Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM...
Chương trình đột phá phát triển hạ tầng đặt ra yêu cầu phải phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư; quan tâm phát triển, bảo đảm nhà ở cho người dân trên địa bàn. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạnh ngành logistics; giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách đặt ra: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, cung cấp và vận động 100% người dân TP sử dụng nước sạch, phát triển cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị... đáp ứng và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân TP.
Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị. Khuyến khích đại học chia sẻ, phát triển giáo dục thông minh, tạo điều kiện tiếp cận và lĩnh hội hệ thống tri thức gắn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Cùng với đó là phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ thống y tế toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu chăm lo sức khỏe nhân dân; phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực để phát triển kinh tế.
Chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, TP HCM đưa ra mục tiêu là địa phương đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng TP thông minh, làm nền tảng phát triển kinh tế hiện đại; tiếp tục là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, TP sẽ đồng hành và tích cực hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp và phát triển DN nhỏ và vừa; chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của TP trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu và có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế TP như: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm...
Bình luận (0)